Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 21:54 (GMT +7)
Cần 70.000 tỷ đồng đầu tư cấp điện cho miền Nam
Thứ 4, 02/08/2017 | 09:31:00 [GMT +7] A A
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhu cầu đầu tư cung cấp điện trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam là khá lớn với trên 70.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư ngày càng gặp nhiều khó khăn, sau khi xem xét khả năng tài chính đầu tư của EVN SPC, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 của Tổng công ty là 49.697 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư thuần là 47.703 tỷ đồng, chiếm 96% tổng vốn đầu tư, còn lại là trả nợ gốc và lãi vay.
Hoạt động tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Theo EVN SPC, trong giai đoạn này, mục tiêu đầu tư là triển khai các công trình lưới điện phù hợp với quy hoạch, khắc phục tình trạng quá tải, không để xảy ra tình trạng non tải, cải thiện chất lượng điện áp và đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 hệ thống lưới điện 110 kV trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1.
Song song với đó, phát triển lưới điện phù hợp với tăng trưởng phụ tải của các địa phương đảm bảo cung ứng điện cho các phụ tải với độ tin cậy được nâng cao. Theo đó, lưới điện 110 kV được xây dựng theo cấu trúc mạch vòng, cải tạo nâng tiết diện. Các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao sẽ thiết kế theo sơ đồ hợp lý để vận hành linh hoạt, đảm bảo cung ứng điện cho các phụ tải với độ tin cậy được nâng cao. Các công trình 110 kV được đầu tư đồng bộ với phát triển lưới điện truyền tải.
Đối với lưới điện hạ áp sẽ đảm bảo năng lực phân phối điện và có thể cung cấp trực tiếp cho các phụ tải phù hợp với phát triển thị trường điện. Các công ty điện lực tiếp tục đầu tư chống quá tải củng cố lưới điện, các công trình nuôi tôm công nghiệp, trồng thanh long, các trạm bơm tưới tiêu chống hạn, các khu vực vùng lõm, xóa câu đuôi kéo chuyền, đầu cấp điện cho nông thôn theo Tiêu chí số 4 về điện.
Đồng thời đầu tư các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 và phù hợp với khả năng bố trí vốn của Ngân sách nhà nước theo từng năm.
Ngoài ra, Tổng công ty từng bước đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, trước mắt tăng cường cấp điện cho khu vực hải đảo như huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận….
Công nhân Điện lực Kiên Giang cải tạo nâng cấp lưới điện ở xã Minh Hòa (Châu Thành, Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Để thực hiện mục tiêu trên, EVN SPC sẽ ưu tiên cân đối nguồn vốn đảm bảo đầu tư cho các công trình lưới điện cấp bách theo thứ tự ưu tiên với các tiêu chí đầu tư. Cụ thể, đối với các công trình cải tạo, nâng cấp lưới điện hiện hữu, Tổng công ty chỉ bố trí kế hoạch thực hiện khi lưới điện hiện hữu đã quá tải, không đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện; không đảm bảo vận hành an toàn và đáp ứng nhu cầu giảm tổn thất điện năng.
Đối với các công trình đầu tư lưới điện cung cấp cho các khách hàng, Tổng công ty chỉ bố trí kế hoạch thực hiện sau khi hợp đồng mua bán điện được ký kết, không thực hiện đầu tư đón đầu phụ tải. Đồng thời chỉ bố trí kế hoạch thực hiện các công trình nối tuyến khi cần thiết phải san tải giữa các tuyến đường dây điện trong trường hợp tuyến kia không đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải và có khả năng quá tải.
Theo EVN SPC, đối với các công trình cấp điện cho các trạm bơm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp, các khu làng nghề, nuôi trồng thủy sản, cụm dân cư vượt lũ, Tổng công ty đã yêu cầu các Công ty Điện lực làm việc trực tiếp với địa phương để nắm bắt nhu cầu và đề xuất từng trường họp cụ thể, sau đó Tổng công ty sẽ xem xét quyết định.
Riêng đối với các công trình cấp điện cho khu đô thị mới, khu tái định cư cho việc thành lập khu công nghiệp, nguồn vốn đầu tư thuộc dự án hạ tầng khu đô thị mới và dự án hạ tầng phát triển khu công nghiệp do địa phương thực hiện.
Như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, EVN SPC sẽ phải hoàn thành 8 công trình lưới điện 220 kV với tổng dung lượng trạm biến áp là 1.500 MVA và tổng chiều dài đường dây 147 km; 464 công trình lưới điện 110 kV với tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 17.060 MVA và 5.330 km đường dây.
Trước mắt trong năm 2017, EVN SPC phấn đấu đưa vào vận hành 604 công trình/dự án lưới điện, với tổng giá trị 8.116 tỷ đồng; trong đó có 3 công trình lưới điện 220 kV, 136 công trình lưới điện 110 kV và 465 công trình lưới điện phân phối. Khối lượng dự kiến đưa vào vận hành trong năm bao gồm 1.905 km đường dây 110 kV, 2.461 km đường dây trung thế và 3.065 km đường dây hạ thế. Tổng công suất trạm 220 kV là 750 MVA, tổng công suất trạm 110 kV tăng thêm là 3.577 MVA và tổng công suất trạm phân phối là 339 MVA.
Đặc biệt, Tổng công ty tập trung hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 3 trạm 220 kV là Cần Đước, Long Xuyên 2 và Sa Đéc theo đúng tiến độ đề ra. Đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện để khởi công dự án đường dây 110/220 kV mạch 2 cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc vào cuối năm nay.
Với khối lượng đầu tư lớn như vậy, EVN SPC đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Trước hết, để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, EVN SPC giao kế hoạch sớm cho các đơn vị đối với các dự án, công trình điện trong Quy hoạch phát triển lực các tỉnh/thành phố, đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra hàng năm và cả giai đoạn 2016-2020. Đồng thời chủ động rà soát Quy hoạch phát triển điện lực để có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, sẵn sàng các phương án, giải pháp để đầu tư bổ sung các dự án điện cấp bách đáp ứng các nhu cầu điện mới của các nhà đầu tư.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư, Tổng công ty giao cho các đơn vị lập tiến độ chi tiết, cụ thể đối với từng hạng mục của dự án nhằm theo dõi và kiểm soát tiến độ thực tế của dự án. Khi rà soát nhằm sớm phát hiện những bất cập trong công tác thực hiện đầu tư thì các đơn vị cũng đưa ra những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Song song với việc tăng cường năng lực quản lý dự án, quản lý hợp đồng; giao ban điều hành thường xuyên giữa chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại hiện trường.
Tổng công ty cũng tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các dự án có hiệu quả đầu tư cao như chống quá tải lưới điện, đặc biệt là lưới điện 110 kV, cấp điện cho các khách hàng công nghiệp, cải tạo tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện, đồng thời đảm bảo mục tiêu chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế.
Không chỉ cân đối sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả, trong kế hoạch hàng năm xác định thứ tự ưu tiên để cân đối, bố trí vốn cho các dự án đảm bảo mục tiêu đầu tư, Tổng công ty còn sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài, giải ngân nhanh các nguồn vốn vay ODA đã có hiệu lực để có cơ sở thuyết phục, vận động các khoản vay ODA mới.
Bên cạnh tiếp tục nâng cao năng lực các Ban Quản lý dự án; Thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo Quy chế phân cấp quyết định đầu tư của EVN; tập trung lực lượng để giải quyết kịp thời các phát sinh, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án, EVN SPC cũng tăng cường công tác quản lý hợp đồng và quản lý chất lượng các nhà thầu xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị. Kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ của dự án.
Trong công tác đấu thầu và ký kết hợp đồng, khi các gói thầu thực hiện đấu thầu sai tiến độ với kế hoạch đầu tư đã được phê duyệt, Tổng công ty yêu cầu các đơn vị hiệu chỉnh ngay tiến độ đấu thầu, hoặc tiến độ thực hiện hợp đồng để đảm bảo tiến độ giữa các hợp đồng được đồng bộ. Tránh tình trạng cứ ký kết hợp đồng xong lại đề nghị nhà thầu giảm tiến độ cung cấp, mặc dù đã biết vấn đề này trước khi mở thầu/hoặc đang trong quá trình xét thầu.
Một giải pháp không kém phần quan trọng để đẩy nhanh tiến độ các dự án là Tổng công ty cân đối khối lượng quản lý dự án giữa các đơn vị để phát huy tối đa năng lực hiện có của các Ban quản lý dự án. Lấy mục tiêu tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án làm thước đo năng lực điều hành của các Ban quản lý dự án.
Mặt khác, việc phối hợp tốt giữa ngành điện và địa phương để giải quyết nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Có được kết quả này, theo EVN SPC đó chính là nhờ tăng cường công tác tuyên tuyền để người dân hiểu, đồng thuận đối với công tác đầu tư xây dựng và bảo vệ các công trình lưới điện.
Ý kiến ()