Thứ Hai, 25/11/2024 19:46 (GMT +7)

Cần bảo vệ trẻ em trước bạo lực

Thứ 4, 01/06/2022 | 11:15:12 [GMT +7] A  A

Trước tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến trẻ em, các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng hệ thống pháp luật đều là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại hội trường Quốc hội. (Ảnh: KHOA LINH)

Qua trao đổi bên lề Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, thời gian qua, đã có những vụ việc đau lòng xảy ra khi có trường hợp trẻ nhỏ thơ dại bị xâm hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.

Khẳng định đây là điều không thể chấp nhận được, đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm của hệ thống chính trị, toàn xã hội và người dân là phải bảo vệ tuyệt đối trẻ em, để các em được học hành, có tâm sinh lý vững vàng, thể chất, tinh thần tốt hơn.

Nêu rõ trẻ em sau này là 1 thành viên của gia đình và cao hơn nữa là yếu tố quyết định vận mệnh tương lai của đất nước, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc bảo vệ quyền lợi trên tất cả lĩnh vực đối với trẻ em phải là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có những thành viên trong gia đình và người thân của trẻ để bảo vệ trẻ trước bạo lực.

Trước ý kiến việc thực hiện Luật Trẻ em còn phân tán, cần nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên trách về bảo vệ trẻ em, cũng như đội ngũ được đào tạo bài bản nhằm thực hiện tốt hơn các chính sách bảo vệ trẻ em, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng ý kiến này cần được khảo sát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, chu toàn.

“Hiện nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn đủ sức bảo vệ trẻ em, nhưng chỉ có điều đáng tiếc trong thời gian qua chúng ta vấp phải, đó là khi trẻ em bị bạo hành không được tin báo của gia đình, hay không được hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương. Đây vẫn là vấn đề rất nhức nhối”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Từ đó, đại biểu kiến nghị chính quyền địa phương phải có trách nhiệm khi nhận được tin báo trẻ em bị bạo hành, cử cán bộ chính quyền hay công an tới ngay hiện trường để bảo vệ trẻ em kịp thời.

Đặc biệt, chính các thành viên trong gia đình, cha, mẹ, người thân của trẻ nếu phát hiện các hành vi bạo hành phải can thiệp kịp thời ngay tại thời điểm bạo lực xảy ra, sau đó báo cáo với chính quyền địa phương.

Có như vậy theo đại biểu Phạm Văn Hòa mới kip thời ngăn chặn hành vi bạo lực, và cũng góp phần đưa bạo lực gia đình nói chung và bạo lực đối với trẻ em nói riêng giảm xuống mức thấp nhất có thể.

Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trước bạo lực, đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) cho rằng, vai trò của người lớn hết sức quan trọng. Theo đại biểu, những người thân trong gia đình cần tiếp cận trẻ, giúp trẻ nói ra những chất chứa trong lòng để từ hành động của người lớn trẻ sẽ tự ý thức được việc tự bảo vệ bản thân mình trước bạo lực.

Liên quan trực tiếp đến xây dựng pháp luật, qua trao đổi tại thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) nhấn mạnh, dù đã nhận thức được tầm quan trọng về bảo vệ trẻ em và cũng đã có Luật Trẻ em, vẫn cần nhấn mạnh hơn nữa vấn đề liên quan bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Theo đại biểu, trong thời gian vừa qua, nhiều vụ trẻ em tự tử hay trẻ em bị bạo hành có nguyên nhân xuất phát từ chính trong gia đình của trẻ, từ việc trẻ em cảm thấy cô đơn, thất vọng trong chính gia đình mình, dẫn đến những trẻ em này có thể gây ra những hành vi bạo lực cho trẻ em khác hoặc là nạn nhân của bạo lực.

Những vụ ly hôn, cãi cọ trong gia đình khiến trẻ em trở thành nạn nhân. Vì thế, theo đại biểu, rất cần phải có quan điểm xuyên suốt là phải bảo vệ trẻ em hoặc vì quyền lợi trẻ em trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), để từ đó giải quyết tốt hơn nữa những vấn đề vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

TRUNG HƯNG (Nhân Dân Online)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu