Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 00:49 (GMT +7)
Cân đối cung cầu để bình ổn thị trường
Thứ 7, 11/11/2017 | 10:09:00 [GMT +7] A A
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị 14 CT/BCT đề nghị các đơn vị thuộc Bộ cần chủ động có các giải pháp trong điều hành sản xuất, kinh doanh một cách đồng bộ và linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa để có phương án hoặc đề xuất biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu. Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị này phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến, đóng gói thực phẩm đã áp dụng thực hành sản xuất tốt, đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch.
Mặt khác, phối hợp với các địa phương khác trên cả nước tổ chức hoặc tham gia các Chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ Tết.
Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết cho các địa bàn dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Kết hợp với các Chương trình bình ổn thị trường và Chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ.
Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ, ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa.
Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện đúng lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; đồng thời bảo đảm nguồn cung xăng E5 RON92, xăng khoáng RON 95 phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn trong mọi tình huống.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.
Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam phải bảo đảm tiến độ sản xuất, cung ứng, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.
Hơn nữa, phải có kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được nhằm duy trì sản xuất ổn định.
Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.
Nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào để tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng, trong đó có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện trong dịp Tết.
Mặt khác, đề xuất phương án tăng giá điện phù hợp vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017 và 2018.
Đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại cần tăng cường hợp tác, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Chủ động tham gia triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo và tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ cho người dân các tỉnh vừa bị bão, lũ.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có trách nhiệm thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, có kế hoạch nhập khẩu sớm nguồn hàng. Cùng đó, kiểm soát chất lượng, đo lường, tránh gian lận trong kinh doanh và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chính sách theo nhiệm vụ được giao, triển khai nghiêm túc việc cung ứng các mặt hàng chính sách cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo một cách đầy đủ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Các Hiệp hội ngành hàng rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để chủ động đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời.
Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa, đặc biệt trong các dịp cao điểm lễ, Tết, mùa vụ. Ngoài ra,tiếp tục đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp.
Cùng đó, Vụ Kế hoạch có nhiệm vụ đôn đốc các đơn vị trong Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thực hiện các nhiệm vụ được giao và là đầu mối tổng hợp tình hình triển khai Chỉ thị này.
Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu; đồng thời có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá…
Đối với các Vụ, Cục: Công nghiệp, Điện lực và năng lượng tái tạo, Hoá chất tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý duy trì hoạt động sản xuất các mặt hàng; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ, bảo đảm sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, hiệu quả, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Cục Xuất nhập khẩu thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn cuối năm; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước.
Cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tăng cường hoạt động giám sát, tập trung vào các vấn đề bảo đảm chất lượng hàng hóa, liên kết độc quyền tăng giá bất hợp lý, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường chỉ đạo, rà soát việc chấp hành các quy định về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh .
Cục Xúc tiến thương mại có nhiệm bám sát hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.
Cùng đó, làm đầu mối chỉ đạo, phối hợp và tổ chức các Hội chợ Xuân, các Chương trình xúc tiến thương mại nội địa, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Văn phòng Bộ có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình chuẩn bị Tết và phục vụ Tết gửi Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, thông tin chính xác, kịp thời về công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm thông tin trung thực, khách quan, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Theo báo cáo này, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá phải có Báo cáo đợt 1 về kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước dịp cuối năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 trước ngày 30/11.
Báo cáo đợt 2 về tình hình triển khai các nhiệm vụ trước ngày 15/1/2018 và đợt 3 Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị trước ngày 10/2/2018.
Các đơn vị thuộc Bộ báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này trước ngày 25 hàng tháng gửi về Văn phòng Bộ.
Các Sở Công Thương gửi Báo cáo đợt 1 về kế hoạch chuẩn bị Tết và kế hoạch triển khai các Chỉ thị của Bộ Công Thương trước ngày 30/11.
Đợt 2 Báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị và tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa tại địa phương dịp cuối năm trước ngày 31/12.
Đợt 3 Báo cáo tình hình thị trường, cung cầu giá cả hàng hóa tại địa phương dịp sát Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 trước ngày 5/2/2018.
Đợt 4 Báo cáo kết quả phục vụ Tết trước ngày 25/2/2018 theo địa chỉ: cungcau@moit.gov.vn – fax: 0422205510.
Ý kiến ()