Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:06 (GMT +7)
Cần đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước
Thứ 7, 26/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Với trên 70% dân số có sinh kế liên quan đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản, những năm gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy tài nguyên nước ở Việt Nam đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng.
Kênh Mương Điều (thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cạn gần trơ đáy. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Bên cạnh đó, tác động của những hiện tượng thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu cũng đang ngày càng làm cạn kiệt nguồn nước. Điển hình là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thành thuộc Trung, Nam bộ và khu vực Tây Nguyên khiến đời sống hàng triệu người dân bị ảnh hưởng.
Mặc dù Chính phủ Việt Nam thường xuyên có những chính sách và chỉ đạo trong đối phó với thiên tai và quản lý tài nguyên nước nhưng với những thay đổi bất thường và khó tiên đoán hơn của thảm họa thiên nhiên, các nhà hoạch định chính sách và nhà khoa học phải xác định lại việc đổi mới cơ chế quản lý nước hiện nay, đặt chúng trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
* Tài nguyên nước không vô hạn
Tài nguyên nước ở Việt Nam bao gồm lượng nước mưa, lượng nước mặt (chủ yếu là nước sông ngòi và ao hồ) và nguồn nước ngầm. Việt Nam có lượng mưa tương đối cao nhưng phân bố không đều. Ví dụ, những nơi lượng mưa cực kỳ cao như vùng Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế) lên đến 8.000 mm/năm, trong khi đó có những vùng như Phan Rang, (Ninh Thuận), Phan Rí (Bình Thuận) lượng mưa rất thấp chỉ từ 400 – 700 mm/năm.
Việt Nam có mạng lưới sông ngòi khá dày với trên 200 con sông lớn nhỏ phân bố trên khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam, trong đó có 89 sông có dòng chảy liên tục và chiều dài trên 10 km. Tuy vậy, khoảng 65% tổng lượng dòng chảy sông ngòi của Việt Nam đến từ các nước láng giềng. Điều này tạo nên một thách thức lớn trong việc chủ động quản lý và khai thác tài nguyên nước cho các tiểu vùng.
Bên cạnh đó, với mức độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế hiện nay, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sạch một số tháng trong năm ở Việt Nam đang và sẽ hiện hữu. Phó Giáo sư Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, việc khai thác và sử dụng nước đang có những vấn đề lớn cần lưu tâm.
Đó là phần lớn dòng chảy mặt ở Việt Nam có nguồn từ nước ngoài; sự phân phối nguồn nước không đồng đều theo không gian và thời gian; thiên tai và biến đổi khí hậu đang đe dọa tài nguyên nước; chất lượng nguồn nước đang suy giảm nghiêm trọng; nhu cầu sử dụng nước dân dụng và công nghiệp ngày càng cao.
* Ảnh hưởng của thời tiết cực đoan
Là một quốc gia ven biển nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều thay đổi quy luật theo mùa của các yếu tố thời tiết cực đoan (như bão tố, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở vùng đồi núi, xâm thực ven biển, ven sông…).
Nhiều báo cáo và dẫn chứng khoa học đã chỉ ra Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong các “điểm nóng” về biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên thế giới tạo nên nhiều tổn thương cho sinh kế của người dân. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng không còn là những dự đoán mang tính dài hạn, mà đã có nhiều bằng chứng chứng tỏ sự bất thường của thiên nhiên xuất hiện với cường độ và tính chất ngày càng cực đoan hơn.
Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, nghiên cứu của các chuyên gia khí tượng thủy văn cho thấy, nhiệt độ nhiều khu vực ở Việt Nam có xu thế gia tăng dần khiến khô hạn nghiêm trọng hơn, lượng mưa thay đổi thất thường, sự phân bố lượng mưa theo tháng đang có dấu hiệu biến động khác với những quy luật nhiều năm trước. Bão tố dường như đang có hướng dịch chuyển xuống các tỉnh phía Nam vào cuối năm và khó dự báo hơn.
Hiện tượng nước biển dâng đang diễn ra đe dọa không chỉ các tỉnh vùng ven biển mà còn liên quan đến vùng Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng duyên hải miền Trung. Nước biển dâng cao làm mất đất, thu hẹp sản xuất và ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lương thực. Cuộc sống cư dân ngày càng khó khăn hơn do thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, yếu tố mưa ít kết hợp triều cường dâng cao đang ngày càng khiến tình trạng xậm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khó lường.
* Cần đổi mới cơ chế quản lý nước
Phó Giáo sư Tiến sỹ Lê Anh Tuấn đánh giá: Việt Nam còn sử dụng chưa thật hợp lý tài nguyên nước. Ngành nông nghiệp sử dụng 70 – 90% lượng nước, nhưng nước cho nông nghiệp phần lớn không phải trả tiền và không xác định lượng sử dụng, dẫn đến sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Thủy điện đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới điện quốc gia, giúp điều hòa nguồn nước nếu được sử dụng theo hướng đa mục tiêu, nhưng việc phát triển không bền vững thủy điện đang làm gia tăng mâu thuẫn các nhu cầu sử dụng nước, đe dọa an ninh nước.
Đến nay, các nhà khoa học đã nêu ra nhiều biện pháp để bảo vệ lưu vực sông theo cách tiếp cận tổng hợp đa ngành như đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho môi trường, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, bảo vệ chất lượng nước, tuân thủ nguyên tắc xả thải ra nguồn, chống các hoạt động khai thác vật liệu trên hệ thống sông có thể gây sạt lở bờ, cân nhắc hợp lý các dự án thuỷ điện, cầu cảng, chuyển dòng chảy… nhưng thực sự Việt Nam chưa có cơ chế quản lý thống nhất các dòng sông.
Hiện ngay một dòng sông đã có quá nhiều cơ quan quản lý. Lấy ví dụ: Trên một dòng sông, ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý chất lượng sông, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sử dụng nước sông trong tưới tiêu, ngành Công Thương quản lý các công trình thuỷ điện trên sông, ngành Giao thông Vận tải phủ trách quản lý Vận tải sông và hệ thống cảng…
Điều quan trọng nhất trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng là phải có sự tham gia của cộng đồng. Cộng đồng dân cư sống trong lưu vực phải có quyền và kinh nghiệm phản biện trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước sống.
Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, vấn đề đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều mối quan hệ tương quan khá phức tạp. Nhà nước các cấp từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng giải pháp quản lý tài nguyên nước tổng hợp cùng với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc đầu tư kinh phí, hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức chính phủ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau chung tay xây dựng và triển khai các hoạt động cụ thể.
Bên cạnh đó, cần có những định hướng của quy hoạch tài nguyên nước với thời gian ít nhất là 10 năm hoặc xa hơn nữa, từ 20 – 50 năm, đặc biệt các vùng trọng điểm kinh tế – xã hội nên có tầm nhìn đến 100 năm. Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý không chỉ là nhiệm vụ của chính mỗi người dân mà còn là trách nhiệm công dân cho thế hệ tương lai của đất nước.
Ý kiến ()