Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:12 (GMT +7)
Cần Đước thúc đẩy phát triển du lịch
Thứ 7, 30/07/2022 | 11:58:58 [GMT +7] A A
Cần Đước nằm ở phía Đông Nam tỉnh Long An, có cửa sông rộng lớn tiếp giáp với biển. Huyện là cửa ngõ dừng chân đầu tiên của nhiều lớp cư dân người Việt và người Hoa đến cư trú và sinh sống, từ đây họ lan rộng ra lên xuống 2 miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.
Chính từ đặc điểm, địa lý lịch sử đó, Cần Đước là cửa ngõ tiếp nhận, chuyển tải giao lưu văn hóa giữa 2 miền cũng như chuyển tải những nét văn hóa từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, trong quá trình đó, nhiều nét văn hóa đã được hình thành và lan tỏa mạnh mẽ trên vùng đất này, tạo nên một lớp văn hóa trầm tích vô cùng độc đáo được biểu thị sinh động bởi Di sản văn hóa được đan kết chặt chẽ, đa dạng và giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện nằm trên vùng đất được người Việt khai phá sớm nhất của tỉnh, có vị thế chiến lược về kinh tế, văn hóa và xã hội, tiếp giáp với TPHCM, nên có nhiều ưu thế phát triển. Sức phát triển này hỗ trợ cho Cần Đước trong mối quan hệ liên kết giữa chính trị, kinh tế, văn hóa và du lịch với địa bàn xung quanh.
Do vậy, với hơn 300 năm hình thành và phát triển, biết bao thế hệ người Cần Đước đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu, chiến đấu với thiên nhiên, với quân xâm lược, cùng chung tay, góp sức biến vùng đất hoang vu sình lầy, ngập mặn ngày nào trở nên xanh màu hạnh phúc. Huyện với đặc trưng văn hóa lúa nước, địa bàn nhiều sông rạch chằng chịt, trong quá trình khai phá, chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm xây dựng quê hương đã để lại nhiều Di tích kiến trúc – nghệ thuật – lịch sử văn hóa và nhiều ngành nghề truyền thống độc đáo, có giá trị lớn.
Kết quả kiểm kê, xếp hạng cho thấy huyện có số lượng di tích nhiều và đa dạng với 12 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia. Nhiều di tích là điểm đến, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách về vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa và đấu tranh cách mạng, như: Nhà Trăm Cột, Chùa Phước Lâm, Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn, Mộ và Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Văn Tiến, Đồn Rạch Cát, Ngã Tư Rạch Kiến… là một trong 2 huyện (cùng với Cần Giuộc) có số lượng cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian nhiều nhất và đa dạng nhất tỉnh, như: Đình, Miếu, Lăng, Chùa Ông.
Địa phương cũng có nhiều nghề truyền thống như: dệt chiếu, đóng ghe mũi đỏ, chạm khắc gỗ, làm bánh phồng,…, đặc biệt nổi tiếng với địa danh đặc sản “Gạo Nàng Thơm Chợ Đào” và là một trong những chiếc nôi của phong trào Đờn ca tài tử. Huyện lại có điều kiện phát triển thuận lợi về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – thương mại, dịch vụ và nông nghiệp. Tất cả hình thành các nhân tố cần thiết, kết nối với hệ thống giao thông thuận tiện, các trục động lực liên kết trong tỉnh, vùng và kết nối với TP.HCM tạo điều kiện cho huyện Cần Đước có thế mạnh phát triển./.
Kim Thoa (Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch)
Ý kiến ()