Thứ Tư, 27/11/2024 10:50 (GMT +7)

Cần giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ phát triển đất nước

Thứ 2, 26/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Các nhà khoa học cho rằng cần có các giải pháp hữu hiệu để khoa học và công nghệ Việt Nam đáp ứng được sự nghiệp “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

ttxvn_1610_lpong_an

Ảnh minh họa

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nêu rõ: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới”.
Góp ý về nội dung này, các nhà khoa học cho rằng cần có các giải pháp hữu hiệu để khoa học và công nghệ Việt Nam đáp ứng được sự nghiệp “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” – một trong 5 nội dung quan trọng của dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
* Hướng đến sự đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ
Giáo sư, Tiến sỹ Phan Hồng Khôi, Trung tâm Phát triển Công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam nhận định: từ trước đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến vai trò của khoa học và công nghệ với quan điểm “khoa học và công nghệ là then chốt”.
Tùy theo từng thời kỳ, Đảng đã có những chính sách, giải pháp phù hợp, cụ thể để huy động các nhà khoa học trực tiếp tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng Tổ quốc; chuẩn bị tiềm lực khoa học và công nghệ cho sự phát triển đất nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Phan Hồng Khôi kiến nghị thêm một số giải pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong đầu tư cho khoa học, công nghệ. Theo đó, hai phương thức đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ: đó là đầu tư theo đề xuất của các nhà khoa học và đầu tư theo đơn đặt hàng (nhà nước, thông qua các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, xí nghiệp thông qua các đề xuất đổi mới công nghệ, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm).
Hiện nay, Việt Nam đã và đang áp dụng cả hai phương thức trên, tuy nhiên, phương thức đầu tiên vẫn đang chiếm ưu thế, kể cả việc cấp kinh phí cho các đề tài thuộc các chương trình trọng điểm cấp nhà nước. Vì vậy, cần phải xem xét lại để việc đầu tư theo cả hai phương thức trên có hiệu quả hơn.
Phương thức đầu tiên chỉ nên áp dụng cho lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu khoa học công nghệ có độ rủi ro cao. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư theo phương thức này theo một tỉ lệ hợp lý trong khuôn khổ quỹ nghiên cứu cơ bản (NAFOSTED), các chương trình đinh hướng phát triển cho một số ngành nghiên cứu cơ bản như Toán, Lý, Hóa… với điều kiện có các tiêu chí giám sát đánh giá kết quả thực hiện đề tài và cơ quan tổ chức thực hiện đề tài theo chuẩn mực quốc gia có tham vấn chuẩn mực quốc tế.
Phương thức thứ hai nên là phương pháp chủ đạo trong đầu tư phát triển khoa học công nghệ ở nước ta, cần được đầu tư mạnh và đủ mức. Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội an ninh quốc phòng, Nhà nước đặt và giao nhiệm vụ (dưới các hình thức khác nhau như giao trực tiếp, chọn lựa hoặc đấu thầu, tuỳ theo mức độ đầu tư và bảo mật quốc gia) cho các cơ quan khoa học, các nhà khoa học thực hiện.
Phương thức đầu tư này đang được vận dụng ở nước ta ngày càng mạnh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để có sự đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ngoài các chương trình trọng điểm quốc gia, Đảng và Nhà nước cần xác định lĩnh vực kinh tế, an ninh quốc phòng có tầm chiến lược quốc gia, trong đó, cần đến khoa học – công nghệ như là động lực phát triển để đầu tư kèm theo cơ chế quản lý, tài chính đặc thù.
Giáo sư, Tiến sỹ Phan Hồng Khôi kiến nghị Đảng, Nhà nước cần có giải pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học – công nghệ, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính. Dự thảo văn kiện cần bổ sung nội dung về xây dựng các chỉ tiêu đánh giá và theo phân cấp thực hiện đánh giá định kỳ hiệu quả của các cá nhân, tổ chức hoạt động khoa học công nghệ. Kết quả đánh giá sẽ là một trong các thành tố quan trọng để có quyết định mức đầu tư thích hợp.
Đồng thời, Đảng, Nhà nước cần có chính sách trọng dụng và tôn vinh đội ngũ khoa học, công nghệ; khuyến khích các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ tại Việt Nam. Giải pháp này cũng hết sức quan trọng nhưng phải được cụ thể hóa, vì nếu không cụ thể, rõ ràng và không có quyết sách từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và nhà nước thì không thể thực hiện được.
Trên thực tiễn, một số giải pháp được đưa ra bao gồm cả chế độ lương bổng, khen thưởng, đãi ngộ, nhưng do luật định và các quy định hiện hành của nhà nước, sẽ gặp rất nhiều trở ngại và nhiều khi không thể triển khai thực hiện. Vì vậy, hiện nay, việc thu hút các nhà khoa học học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài, đặc biệt các nhà khoa học trẻ được nhà nước cấp kinh phí hoặc tự túc đi đào tạo ở nước ngoài về làm việc rất khó khăn – Giáo sư, Tiến sỹ Phan Hồng Khôi chia sẻ.
* Phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Khoa Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chỉ ra rằng trong nội dung nhiệm vụ “Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” của các dự thảo văn kiện còn thiếu các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học xã hội và nhân văn, trong khi thực tiễn phát triển đất hiện nay đang đặt ra rất nhiều câu hỏi, nhiều thách thức về mặt lý luận cần phải được được nghiên cứu và giải đáp một cách thấu đáo.
Đồng thời, vai trò của khoa học và công nghệ còn mờ nhạt trong các lĩnh vực trọng yếu của giai đoạn phát triển hiện nay: quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng – an ninh, bảo vệ Tổ quốc…, trong khi đó, đây là các lĩnh vực đòi hỏi phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ một cách sâu rộng, cập nhật và hiện đại nhất.
Ngoài ra, các thách thức về an ninh phi truyền thống mà mọi quốc gia đang phải đối mặt như: an ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh hệ thống tài chính – ngân hàng, ứng phó thảm họa môi trường,… đòi hỏi cách tiếp cận mới về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, trong đó cần tăng cường mạnh mẽ hạ tầng khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao của các ngành. Đặc biệt, cần có cơ chế để huy động nguồn lực của lực lượng khoa học, công nghệ cả nước mới thực sự có hiệu quả.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Khoa Sơn đề nghị dự thảo văn kiện cần đề ra các chính sách cụ thể huy động nguồn đầu tư của xã hội và doanh nghiệp, nguồn đầu tư nước ngoài cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Việt Nam nên tập trung vào lĩnh vực khoa học và công nghệ ứng dụng, nhất là các công nghệ cao mũi nhọn như công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, trong đó có việc mua bằng phát minh, sáng chế rồi cải tiến, nâng cao phù hợp với điều kiện của Việt Nam và nhu cầu thị trường trong và ngoài nước (các nền kinh tế đi trước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều “đi tắt đón đầu” khá thành công bằng cách này); chú trọng khuyến khích các sản phẩm mang tính sáng tạo, nhất là các sản phẩm công nghệ cao sử dụng các nguyên liệu bản địa.
Các mô hình sản xuất đồng bộ dựa trên công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông nghiệp, dược phẩm, thủy sản,… cần được nghiên cứu, lựa chọn và có chính sách khuyến khích đặc biệt để nhập và chuyển giao một cách rộng rãi.
Đồng thời, Đảng, Nhà nước cần quan tâm đẩy mạnh các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên, nhất là các lĩnh vực Việt Nam đang có thế mạnh như toán học, vật lý học,…để khuyến khích nhân tài và nâng cao vị thế về nghiên cứu của Việt Nam; tiếp tục và đẩy mạnh các chương trình phát triển toán học, vật lý,… tiến tới xây dựng một Chương trình quốc gia thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản cho giai đoạn 2020-2030 với các mục tiêu định hướng dài hạn.
Nhiệm vụ của khoa học xã hội và nhân văn cần được bổ sung nhằm tạo cơ chế mới để phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, để khoa học xã hội và nhân văn đóng góp nhiều và hiệu quả hơn nữa vào mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Để tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực khoa học công nghệ cao quan trọng này, trong các kế hoạch sắp tới nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội lần thứ XII của Đảng, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Khoa Sơn đề xuất Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, xây dựng các định hướng chiến lược cho giai đoạn đến năm 2030; có quy hoạch, kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn về cơ sở hạ tâng công nghệ viễn thông; tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong việc trao đổi dữ liệu và khai thác các hệ thống vệ tinh toàn cầu, phục vụ nhu cầu quản lý tài nguyên, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Phúc Hằng (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu