Thứ Sáu, 22/11/2024 19:14 (GMT +7)

Cần hoàn chỉnh chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản

Thứ 5, 24/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Để nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững, cần phải xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản hoàn chỉnh, đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Qua 5 năm thực hiện, chương trình Hợp tác thương mại giữa Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đã góp phần tích cực tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân. Tuy nhiên, để chương trình này đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững thì phải xây dựng được chuỗi liên kết hoàn chỉnh, đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Tại tỉnh Đồng Tháp, trước đây phần lớn người dân và doanh nghiệp tự tìm đầu mối tiêu thụ các sản phẩm lương thực và thủy sản. Nhưng 5 năm gần đây, tham gia chương trình hợp tác với Thành phố Hồ CHí Minh, Đồng Tháp đã có 30 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã và hàng chục hộ sản xuất, kinh doanh đã đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các kênh siêu thị và trung tâm thương mại.

Cái được lớn nhất là sản phẩm khi tiêu thụ qua các kênh này có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý như Siêu thị Thất Sơn ở tỉnh An Giang đã tăng số nhà cung cấp hàng hóa từ vài chục lên vài trăm đơn vị trong những năm tham gia liên kết, hợp tác. Doanh thu của doanh nghiệp này cũng tăng gấp đôi.

can hoan chinh chuoi lien ket tieu thu nong san hinh 0
Chú thích ảnh

Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Thất Sơn, tỉnh An Giang nói: “Ngày mùa tựu trường tôi phục vụ 1.000 -2.000 khách hàng. Sau khi tham gia chương trình kết nối cung cầu, mỗi ngày 4.000 – 5.000 khách. Ngày xưa, siêu thị chỉ vài chục mã hàng, bây giờ chúng tôi đã có lên 100.000 mã hàng hóa. Ngày xưa, có 6 – 8 ngành hàng, bây giờ 18 ngành hàng”.

Qua 5 năm thực hiện, chương trình Hợp tác thương mại giữa Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đã có gần 1.350 hợp đồng cung cấp, tiêu thụ sản phẩm giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương đã được ký kết, giao thương 2 chiều đạt hơn 22.100 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, thì chương trình cũng còn những hạn chế. Đó là thiếu sự gắn kết trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng chưa đồng bộ, công tác kết nối, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối còn gặp khó khăn. Vì hiện nay, phần lớn các sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng của các địa phương là của doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình sản xuất nên chưa đảm bảo các tiêu chí về mẫu mã, bao bì, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… để đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào hệ thống phấn phối hiện đại.

Ông Trương Trí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, chuyên cung cấp trứng gia cầm, cho hay: “Qua chương trình này cũng có nhiều trang trại tìm đến chúng tôi hợp tác. Tuy nhiên, có các hạn chế là đa số các trang trại này có quy mô nhỏ nên chưa đáp ứng các tiêu chí mà công ty chúng tôi đặt ra”.

Hiện nay, các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ phần lớn chỉ hợp tác ở mức như: ký hợp tác từ đầu vụ hay đặt hàng sản xuất, chứ chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến phân phối. Nếu hình thành được chuỗi liên kết này thì chương trình hợp tác sẽ kết bền vững hơn, 2 bên sẽ cùng chia sẻ lợi ích, hạn chế rủi ro và tăng được giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của việc thực hiện chuỗi liên kết này là các hộ sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tổ chức lại sản xuất để tạo ra sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng đồng đều và đạt các tiêu chuẩn VietGAP.

Để khắc phục tình trạng này, ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đồng Tháp đang củng cố các hợp tác xã, tuyên truyền cho bà con nông dân thế nào là các chuỗi giá trị, có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra. Chúng tôi tuyên truyền bà con mình chấp hành tốt các quy định hợp đồng đã ký. Chúng tôi nâng chất các đối tác trong chuỗi giá trị, nếu hợp tác xã mạnh, nông dân mạnh, chuỗi giá trị mới mạnh được”.

Trong hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ thì vấn đề thương hiệu, chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan trọng. Hiện nay, Sở Công thương thành phố đang phối hợp với các địa phương thực hiện vấn đề này.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Về các tiêu chuẩn an toàn về sinh thực phẩm. Chúng tôi đang làm việc với sở nông nghiệp, sở công thương các tỉnh xây dựng các tiêu chí rất cụ thể, khi nào xong chúng tôi sẽ thực hiện để các nông dân, người sản xuất thực hiện”.

Từ thực tế trên cho thấy, nếu khắc phục được những hạn chế nêu trên, sớm hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh từ sản xuất đến phân phối thì sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, giá cả cạnh tranh, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh nông sản của các tỉnh, thành trong vùng Đông và Tây Nam bộ./.

VOV-VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu