Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 15/11/2024 01:03 (GMT +7)
Cần làm gì để chống gian lận thương mại và hàng giả trên mạng?
Thứ 7, 02/11/2024 | 10:31:00 [GMT +7] A A
VOV.VN - Trong 10 tháng năm 2024, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 3.410 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, với số tiền xử phạt trên 37,388 tỷ đồng.
Trong đó, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử 309 vụ, số tiền xử phạt trên 5 tỷ đồng. Thực tế cho thấy các vi phạm trong kinh doanh thương mại trên nền tảng mạng xã hội ngày càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Đặc biệt Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến gần, dịp này hàng năm vẫn luôn “nóng” về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu.
Vậy Hà Nội sẽ làm gì để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử? Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội.
PV: Hiện nay tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai trên không gian mạng với các thủ đoạn và hành vi hết sức tinh vi, điều này gây khó khăn cho lực lượng QLTT Hà Nội như thế nào?
Ông Dương Mạnh Hùng: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang ưu tiên bán hàng thông qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh những lợi ích tích cực thì tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên nền tảng thương mại điện tử đang ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” không đơn giản.
Các trang Website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư…tuy nhiên lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền trong việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở.
Hiện nay chỉ có quy định về việc thông báo đăng ký cơ quan có thẩm quyền về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng. Đối với các cơ sở kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng xã hội khác chưa có quy định cụ thể gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, giám sát và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
PV: Các giải pháp và kế hoạch của Cục QLTT Hà Nội trong việc truy quét các vi phạm về thương mại trên nền tảng mạng xã hội như thế nào?
Ông Dương Mạnh Hùng: Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ công thương, Tổng Cục QLTT về việc thực hiện “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025” năm 2024; Cục QLTT Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 257 về việc thành lập tổ công tác về Thương mại điện tử.
Đồng thời, Cục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm các Kế hoạch như Kế hoạch số 07 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng và gian lận thương mại, vi phạm hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 257 về việc thành lập Tổ công tác về Thương mại điện tử của Cục QLTT Hà Nội.
Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử lý vi phạm có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy trình; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Phòng ngừa ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại. Xây dựng phương án thực hiện hoặc chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trong thương mại điện tử; vi phạm an toàn thực phẩm.
Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như: Sở Công thương TP Hà Nội, Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an Thành phố…để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng thương mại điện tử, công nghệ cao nhằm kinh doanh, chào bán hàng hóa vi phạm.
PV: Vậy theo ông chế tài xử phạt hiện nay đã đủ sức rằn đe hay chưa, có nên nâng mức phạt hay bổ sung các chế tài khác đủ mạnh để chặn đứng các vi phạm này?
Ông Dương Mạnh Hùng: Hiện nay, chế tài xử lý đối với các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã được pháp luật quy định khá rõ ràng, có tính răn đe, ngoài xử lý xử phạt hành chính, nếu hành vi vi phạm cấu thành đủ các yếu tố thì còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử đạt hiệu quả cao cần cố sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và các ngành có liên quan. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh và chế tài xử lý nếu có hành vi vi phạm. Tuyên truyền đến người tiêu dùng để nâng cao nhận biết, tránh mua phải hàng giả hàng kém chất lượng.
PV: Xin cảm ơn ông.
Hoàng Hà/VOV
Ý kiến ()