Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 12:54 (GMT +7)
Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ 4, 17/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua, do tác động sâu của biến đổi khí hậu (BĐKH) các hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ở Long An, chỉ tính riêng trong vụ đông xuân năm 2016, hạn mặn kéo dài làm thiệt hại khoảng 9.900ha lúa; trong đó, thiệt hại năng suất trên 70% là 4.770ha. Câu hỏi đặt ra là nông dân sẽ tiếp tục sản xuất như thế nào trước điều kiện bất lợi đó?
Để giải quyết bài toán Elnino và Lanina, đòi hỏi người dân phải thay đổi tập quán canh tác cũ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa đồng bộ vào quá trình canh tác… tiết kiệm đến mức thấp nhất chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bù đắp thiệt hại do BĐKH gây ra. Quy trình này, các nhà khoa học gọi tên là: “Canh tác lúa thông minh, ứng phó với BĐKH”. Và đây cũng là tên mô hình mà Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng với Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh ĐBSCL và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt cho mô hình sản xuất lúa kiểu mới ở 65 hộ dân của khu vực ĐBSCL với diện tích 32.5ha (mỗi hộ 0.5ha).
Tại Long An, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh chọn 5 hộ dân xã Bắc Hòa – huyện Tân Thạnh làm nơi thí điểm mô hình và tổ chức tổng kết vào sáng ngày 15/8. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được 10 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả, các giải pháp canh tác thông minh: sử dụng giống cao sản kháng sâu bệnh (VD 20), sạ thưa chỉ 40kg giống/0.5ha, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, giảm phát thải nhà kính, hạn chế đến mức thấp nhất thất thoát sau thu hoạch, sản xuất ra cái mà thị trường cần chứ không phải nông dân muốn. 65 hộ dân trong mô hình đều được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ giống và phân bón trong suốt mùa vụ.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất lúa. Ảnh minh họa
Đặc biệt ở vùng đất Bắc Hòa – nơi thổ nhưỡng là đất sét kim loại nặng, Công ty hỗ trợ thêm phân bón Đầu trâu mặn – phèn, loại phân bón mới giúp hạn chế các độc chất trong đất, tăng hấp thu dinh dưỡng cho cây lúa. Song song với 0.5ha đất tham gia mô hình, mỗi hộ dân đều dành ra 1 ít diện tích để làm đối chứng. Sau 3 tháng triển khai (từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 8), 2.5ha lúa ở Long An đã cho thu hoạch với kết quả tốt. Năng suất lúa trong mô hình tăng hơn đối chứng 0.35 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn 756.000đ/ha.
Mô hình :“Canh tác lúa thông minh ứng phó với BĐKH” giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập và góp phần nâng cao kiến thức trình độ của nông dân hiện nay; hưởng ứng tích cực kế hoạch phát động giảm giống gieo sạ mà Bộ NN&PTNT đưa ra mới đây.
Mỹ Yến-Thanh Nguyên
Ý kiến ()