Chủ Nhật, 24/11/2024 17:39 (GMT +7)

Cấp phép mầm non tư thục dễ dàng, thiếu kiểm soát

Thứ 3, 05/12/2017 | 10:03:00 [GMT +7] A  A

Các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục mở ra khá nhiều, đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, đặc biệt là con em công nhân tại các khu chế xuất – khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc cấp phép dễ dàng nhưng thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng đã dẫn đến nhiều vụ bạo hành trẻ trong thời gian qua.

Dễ dãi trong cấp phép

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 1.800 nhóm, lớp mầm non tư thục được cấp phép theo quy định. Các lớp mầm non tư thục này đã góp phần giải quyết chỗ gửi con của con em công nhân tại những khu chế xuất – khu công nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian vừa qua, tình trạng bạo hành trẻ lại thường diễn ra tại các nhóm lớp này.

Cần phải có quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp phép mở trường mầm non tư thục. Ảnh minh họa

Theo đó, từ đầu năm đến nay tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra liên tiếp 3 vụ bạo hành trẻ tại nhóm lớp mầm non tư thục. Đặc biệt, vụ bạo hành trẻ ở nhóm lớp mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12) bị báo chí phanh phui trong thời gian gần đây khiến cho dư luận bức xúc và những công nhân có con em đang gửi trẻ ở những lớp tư thục này cũng tỏ ra lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Thúy Nghiệm, công nhân may ở quận Thủ Đức, chia sẻ: “Xem đoạn clip trẻ bị đánh ở trường mầm non tư thục Mầm Xanh mà tôi cảm thấy lo lắng cho con mình. Trường công lập thì khó gửi, nếu gửi được con vào trường công lập thì giờ giấc đón con lại không tiện. Gửi ở trường tư thục thì mình đón con lúc 6 – 7 giờ tối cũng được và gửi cả ngày thứ bảy. Dù biết là nguy cơ con mình có thể cũng bị đánh như những đứa trẻ kia, nhưng biết làm sao được. Tôi cũng chỉ hy vọng rằng, con mình may mắn đang học ở một ngôi trường được cô giáo yêu thương”, chị Nghiệm chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bạo hành diễn ra tại các nhóm lớp tư thục này có nguyên nhân chính từ việc cấp phép quá dễ dàng nhưng thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng trong khi giáo viên mầm non lại thiếu, thậm chí những người dạy trẻ ở cơ sở tư thục không được đào tạo về chuyên môn. Bởi, theo Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy chế tổ chức, hoạt động trường mầm non tư thục, yêu cầu trình độ văn hóa của chủ nhóm, lớp từ THPT trở lên và phải có các chứng chỉ nghiệp vụ về quản lý, chăm sóc trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý… Tùy vào mỗi chứng chỉ mà có thời gian đào tạo khác nhau.

Theo cô Phạm Thị Loan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh, những quy định về cấp phép cho nhóm, lớp trẻ mầm non tư thục còn quá đơn giản, chưa chặt chẽ khiến cho quá trình kiểm tra, thẩm định của Phòng giáo dục và UBND phường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho các nhóm, lớp khá ngắn nên khó đảm bảo về nghiệp vụ chuyên môn. Trong khi đó, tính chất công việc chăm sóc, giáo dục trẻ đòi hỏi chủ nhóm, lớp phải có sự am hiểu chuyên môn, vững nghiệp vụ sư phạm mầm non thì mới làm được.

Bên cạnh đó, cô Cao Thanh Tuyền, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, cho biết nhiều cơ sở khi cấp phép thì đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tuy nhiên sau một thời gian kiểm tra lại thì chủ nhóm lại tuyển nhân sự không chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất không đảm bảo, không đáp ứng qui định chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ…

Siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra

Trước vụ việc bạo hành trẻ nghiêm trọng tại lớp mầm non tư thục Mầm Xanh, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn khẩn chỉ đạo các cơ quan đơn vị trực thuộc tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở mầm non ngoài công lập.

Trước đó, tại buổi làm việc với các quận, huyện và các sở, ban ngành về giải pháp ngăn chặn trẻ bị bạo hành, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho rằng trong thời gian qua đã có rất nhiều văn bản và công tác thanh kiểm tra được các cấp chính quyền địa phương và ngành giáo dục thực hiện thường xuyên, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng bạo hành trẻ.

Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện các nhóm, lớp tư thục trên địa bàn thành phố chiếm 55% số điểm giữ trẻ của thành phố. Do nhu cầu của xã hội phát triển, những nhóm lớp này nhiều nên việc kiểm tra, giám sát cũng gặp không ít khó khăn.

Để quản lý các trường mầm non tư thục và không để tình trạng bạo hành trẻ xảy ra, Thạc sĩ Hoàng Hữu Lượng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), cho rằng việc quản lí giáo dục, cho phép mở trường mầm non cần có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn. Việc hai bảo mẫu ở trường mầm non Mầm Xanh không có chuyên môn đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn Phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho hay hiện quy định cấp phép cho các nhóm lớp mầm non tư thục còn khá đơn giản nên trong thời tới Sở sẽ xem xét, siết chặt hơn việc mở các nhóm, lớp này. Đồng thời trong tháng 12 này, Sở sẽ trình UBND TP Hồ Chí Minh về kế hoạch gắn camera tại các trường mầm non tư thục.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND các quận, huyện phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên đối với những nhóm trẻ tư thục; đồng thời kiên quyết đóng cửa và giải thể đối với các nhóm, lớp tư thục hoạt động thiếu hiệu quả, không đảm bảo an toàn cho trẻ, vi phạm quy chế chuyên môn của ngành.

“Theo chúng tôi, khi một nhà trẻ hoặc một trường tư thục được thành lập, điều quan trọng nhất được đặt lên trên là quản lý, phải coi gốc rễ ở đâu, ai sẽ quản lý… Phải nhìn nhận rằng, một khi đã cấp phép hoạt động phải chịu trách nhiệm cả về quản lý, không nên để tình trạng mỗi khi có vụ việc đáng tiếc xảy ra mới bắt đầu kiểm tra theo dõi”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đề xuất.

Đồng tình với đề xuất gắn camera mỗi lớp học, thế nhưng luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng điều đó là chưa đủ, các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng là những chiếc camera sát sao với công việc của từng giáo viên mầm non. Chỉ có như vậy, những “con sâu làm rầu nồi canh” mới được loại bỏ hoàn toàn và mỗi người mới có thể bảo vệ con em mình khỏi nạn bạo hành ở trường mầm non.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh các biện pháp tăng cường kiểm tra nhóm, lớp tư thục, siết chặt việc mở trường, điều cốt lõi nhất vẫn là nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục, chương trình đào tạo cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn.

Đan Phương/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu