Thứ Ba, 26/11/2024 23:30 (GMT +7)

Cấp thiết ghi nhãn các sản phẩm có chứa Amiăng trắng tại Việt Nam

Thứ 4, 16/12/2020 | 12:31:00 [GMT +7] A  A

Nhiều chuyên gia và các nhà quản lý cho rằng, cấp thiết cần phải dán nhãn cảnh báo sản phẩm nguy hại cho tấm lợp fibro-xi măng chứa amiăng gây ung thư.

Amiăng gây ung thư

Chia sẻ tại Hội thảo “Ghi nhãn các sản phẩm có chứa Amiăng trắng tại Việt Nam” do Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO) phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO) cho biết, hơn 20 năm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tổ chức Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC) đã nghiên cứu và kết luận, amiăng, kể cả amiăng trắng là chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, thanh quản, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiăng.

“Do đó, phải ngừng sử dụng tất cả các dạng amiăng, đó là cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các căn bệnh liên quan đến amiăng”, PGS.TS Bùi Thị An đề xuất.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Nhấn mạnh về tác hại của amiăng đối với sức khỏe con người, BS Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sức khỏe môi trường (CHERAD) cho biết, amiăng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, ăn uống… thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 20-40 năm sau khi phơi nhiễm, nên rất khó để theo dõi, đánh giá hết mức độ nguy hiểm.

Theo nghiên cứu gánh nặng toàn cầu về bệnh tật năm 2017, có 222.000 ca tử vong trên toàn thế giới do các bệnh liên quan đến amiăng (tính đến năm 2016). Amiăng là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng nhiều amiăng trong quá khứ. Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 2.000 người tử vong do các bệnh liên quan về amiăng.

Trước năm 2016, Việt Nam đứng trong top 10 nước sử dụng amiăng trắng nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 65.000-70.000 tấn amiăng trắng/năm, để sản xuất khoảng 900-1.000 triệu m3 tấm lợp fibro-xi măng/năm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) khẳng định, quan điểm của Bộ Y tế cho rằng, amiăng và cả amiăng trắng là chất gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu sâu về vấn đề này.

“Bây giờ sẽ không cần nghiên cứu amiăng có độc hại hay không nữa mà khẳng định là có độc hại và Bộ Y tế đang nghiên cứu, xác định mức độ ảnh hưởng của amiăng tới sức khỏe con người. Mặc dù amiăng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng phải 30-40 năm sau mới phát bệnh, có trường hợp là 50 năm, nên cần phải tuyên truyền để người dân hiểu”.

Cần sớm có chính sách liên quan

PGS.TS Bùi Thị An cho biết, qua các khuyến nghị của quốc tế và tổ chức trong nước về tác hại của amiăng trắng, ngày 1/8/2002, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 115/QĐ/TTg về kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vật liệu thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp và từ năm năm 2004 không được sử dụng vật liệu amiăng trong sản xuất tấm lợp. Tuy nhiên đến nay, Quyết định này vẫn chưa được thực hiện.

Ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, trong đó giao nhiệm vụ Bộ Xây dựng “Xây dựng lộ trình sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp có chứa amiăng trắng từ năm 2023″.

“Hai nước sản xuất amiăng nhiều như Canada, Brazin đã tuyên bố dừng sử dụng amiăng từ năm 2018, trong khi đó, Việt Nam đã có quy định, nhưng lại chưa thực hiện tốt. Đáng lo ngại là hơn 95% tấm lợp chứa amiăng đều được đẩy lên vùng dân tộc, miền núi. Do đó, thời gian tới, cấp thiết cần sớm dán nhãn cảnh báo sản phẩm nguy hại cho tấm lợp fibro-xi măng chứa amiăng và dừng sử dụng các sản phẩm từ amiăng”, PGS. TS Bùi Thị An đề xuất.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, hiện nay các tấm lợp có chứa amiăng không có nhãn hoặc không ghi cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, cũng như hướng dẫn xử lý khi đã hết thời gian sử dụng, trở thành phế thải. Do đó, để bảo vệ quyền cơ bản của người tiêu dùng theo Luật định như quyền được thông tin, quyền được an toàn, thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hàng hóa hướng dẫn sử dụng.

“Đặc biệt, cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng về phòng tránh phơi nhiễm amiăng trong sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng, cũng như cách xử lý khi đã hết thời gian sử dụng, trở thành phế thải…”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đối với người dân, BS Nguyễn Trọng An khuyến cáo, người dân cần đọc kỹ nhãn các loại vật liệu trước khi sử dụng, tốt nhất là tìm các vật liệu thay thế các vật liệu có chứa amiăng. Nếu gia đình đang sử dụng tấm lợp amiăng thì không tự ý tháo dỡ, vứt bỏ vật liệu mà cần có tư vấn của cơ quan môi trường địa phương, không dùng các tấm amiăng vỡ để lát đường, làm chuồng trại.

“Nếu sống gần các nhà máy sản xuất vật liệu chứa amiăng, khi có dấu hiệu bệnh do bụi amiăng như khó thở hoặc khi thở phải gắng sức, thở khò khè, đau tức vùng ngực, ho nhiều, ho khan, có thể ho có đờm, ho ra máu… thì cần đi khám và báo các cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý và điều trị bệnh kịp thời”, BS Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Thu Trang/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/kinh-te/cap-thiet-ghi-nhan-cac-san-pham-co-chua-amiang-trang-tai-viet-nam-20201215144451899.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu