Có lẽ, trong giới nhà báo, tôi là người gắn bó với đại ngàn Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) nhiều nhất. Gần như không còn khu rừng rộng lớn nào, mỏm núi đặc biệt nào của dãy Hoàng Liên Sơn mà tôi không đặt chân đến.
Nhớ lại cách nay hơn chục năm, gặp “người rừng” Trần Ngọc Lâm, khi ông cởi trần ngồi thiền trong hang đá trên độ cao 2.900m, cách đỉnh Fansipan không xa. Ông Lâm trú ngụ ở đó để hái thuốc tự chữa bệnh ung thư phổi cho mình, ông thiền theo phương pháp của các nhà sư Tây Tạng, trong cái lạnh đóng băng, để khối u không phát triển.
Rỗi rãi, ông kiếm sống bằng công việc gùi hàng, dẫn đường cho khách du lịch chinh phục đỉnh Fan. Ông kể chuyện về Fan thì đầy ma mị, huyền bí. Hồi đó, để chinh phục đỉnh Fan, phải đi từ bản Cát Cát và phải mất ngót 5 ngày cả đi lẫn về, vô cùng gian khổ.
Theo lời ông Lâm, chả tháng nào không có tai nạn, chết chóc, lạc rừng. Thậm chí, ông còn phát hiện cả bộ xương ông Tây nằm bên chiếc balo to vật vã.
Rồi một ngày, ông Lâm gặp một ông già người Pháp, đang trầy trật chinh phục Fan. Ông này vốn là lính Pháp, đóng ở Trạm Tôn, từng gắn bó với Fan và dãy Hoàng Liên này thời trẻ. Ông ta vẽ cho ông Lâm con đường chinh phục Fan rất ngắn, từ phía Trạm Tôn.
Theo lời ông, ngày đó, người Pháp đã mở đường này và leo Fan chỉ mất một ngày. Khi đó, với mục đích mở đường lên Fan cho riêng mình, ông Lâm đã hì hục phát trúc, tìm lại nền đường cũ. Nhiều đoạn trúc ken dày, ông cứ rải muối dọc các dấu tích, để trâu tìm muối ăn, thế mà đường cũ lộ ra.
Thế nhưng, “người rừng” Trần Ngọc Lâm lại cảm thấy không vui khi phát hiện ra con đường đó. Bởi vì, đường lên Fan và về lại Sapa chỉ mất 2 ngày, thậm chí vận động viên chạy lên đỉnh Fan chỉ mất 2 tiếng, nên khách du lịch, dân phượt ùn ùn kéo nhau lên đỉnh Fan.
Vào rừng dễ hơn, nên đồng bào ùn ùn vào rừng nhổ thảo được quý bán sang Trung Quốc. Vào rừng dễ dàng hơn, nên đồng bào cũng kéo vào đốn rừng trồng thảo quả. Mà thảo quả là sát thủ của rừng xanh.
Thảo quả chỉ ưa chỗ râm mát, ẩm ướt, nên phải phát cỏ và cây nhỏ, giữ tán cây lớn để trồng thảo quả. Thảo quả tiết nhựa vào đất, nên lâu ngày cây to cũng chết và thế là rừng nguyên sinh bị đầu độc một cách chậm rãi.
Vào rừng dễ dàng, thì lâm tặc cũng hoạt động mạnh hơn. Rất nhiều cây vân sam, loài đặc hữu chỉ có khoảng 400 cây ở quanh đỉnh Fan cũng đã bị lâm tặc đốn hạ, nha nhẩn tha gỗ từ rừng ra.
Nhưng, khách du lịch thiếu ý thức mới thực sự khiến Hoàng Liên Sơn quằn quại đau đớn. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh đồng chí kiểm lâm cùng tôi vào vườn chè ngàn năm tuyệt đẹp trên độ cao 2.500m mấy năm trước. Vừa đi, vừa nhặt rác, đào hố chôn không biết bao nhiêu lần trên chặng đường ngắn ngủi khi qua lán nghỉ thứ nhất. Khi về, thì lại một balô ật ưỡng rác tha ra khỏi rừng.
Buồn hơn nữa, là khu rừng chè, với những cây chè ngàn năm tuổi to 1-2 người ôm giờ trọc lốc như những ông sư. Từ khi vườn chè lên báo, khách du lịch, đặc biệt là giới phượt, đã mò đến, người hái đầy bao, kẻ chặt dăm cành đem về làm kỷ niệm, khoe chiến tích.
Người nào không đủ sức đi, thì ngồi chờ ở độ cao 2.300m, thuê poster rẽ ngang vào đó chặt cho vài cành, vừa chụp ảnh khoe khoang, vừa có chè tuyệt ngon mang về dùng.
Bản thân tôi, đã có ngót ngày trời đi bộ miên man qua khu rừng chết, cả thung lũng mênh mông những thân cây khổng lồ ngã gục đen sì bởi lửa. Những thân cây vẫn sừng sững, vươn cánh tay đen như than kíp lê giữa nền trời trong vắt, trồi lên khỏi thảm trúc xanh rì.
Vụ cháy rừng năm ấy đã thiêu trụi cả ngàn héc-ta rừng nguyên sinh trên dãy Hoàng Liên Sơn. Và, theo ông Trần Ngọc Lâm, thì ngọn lửa năm ấy phát ra từ con đường chinh phục Fan từ hướng bản Cát Cát. Mãi mãi không tìm ra thủ phạm. Không rõ là do người đốt nương, người sấy thảo quả, hay do khách du lịch vô ý thức đốt lửa sưởi ấm mà nướng luôn cả rừng.
Đại ngàn Hoàng Liên nhiều tre trúc. Rừng cháy, cây to chết, nhưng trúc sẽ mọc lên nhanh chóng và chiếm toàn bộ rừng. Mùa khô, là mùa chinh phục Fan, cũng là thời điểm dễ xảy ra cháy rừng nhất. Loài trúc bén lửa dễ dàng, rồi những thân gỗ quý nhiều tinh dầu như tùng, thông, pơ-mu… ở Fan nếu bén lửa, thì cả dãy Hoàng Liên sẽ thành tro bụi.
Còn nhớ, năm 2009, có đến hàng ngàn héc-ta rừng Hoàng Liên Sơn đã bị thiêu trụi lần nữa, mà thủ phạm thì bặt tăm. Bản thân tôi đã chứng kiến cảnh con người vô vọng trước ngọn lửa, chiếc trực thăng xả nước chả khác gì bọ xít đái vào đống rơm cháy. Chỉ đến khi giời thương xót đổ mưa, ngọn lửa mới bị dập tắt.
Cháy nhà mới ra mặt chuột, rừng thiêu thành tro, mới nhận ra những cây gỗ lớn trong rừng đã bị cưa đổ nghiêng ngả, xả thịt khắp nơi, những xưởng gỗ la liệt trong rừng. Mồi lửa đã đốt rụi cả đại ngàn pơ-mu, mà phải mất cả triệu năm sau mới tái sinh được.
Ngoài cảnh quan tuyệt đẹp, thảm thực vật đặc thù, thì dãy Hoàng Liên Sơn còn là một kho báu thảo dược, toàn những loại quý nhất, hiếm nhất, tốt nhất Việt Nam. Dãy núi đá granit chìm trong mây mù lạnh giá ấy sản sinh ra những loại dược đặc hữu, có giá trị dược liệu rất cao.
Thế nhưng, bao năm qua, rừng thả nổi, đồng bào vào rừng nhổ sạch sẽ, tận diệt bán sang Trung Quốc. Loài tiết trúc nhân sâm, nấm phục linh thiên, cỏ kim tuyến… đắt như vàng đã sạch bóng khỏi đại ngàn Hoàng Liên Sơn.
Dài dòng như vậy, để cảnh báo rằng, không cứu nhanh, không có biện pháp khả thi, Hoàng Liên Sơn sẽ tan hoang thực sự chẳng mấy chốc.
Vậy nên, mấy năm trước, khi một doanh nghiệp xây dựng cáp treo lên đỉnh Fan, là người gắn bó với Hoàng Liên Sơn, tôi không những không phản đối như một số người, mà thực sự mừng cho đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Phần lớn tiếng nói phản đối xâm phạm thiên nhiên khi xây cáp treo đến từ một số bạn “lượt phượt” đến Fan được một vài lần, chụp choẹt được vài tấm ảnh đẹp, khoe đi khoe lại chiến tích.
Đó là tiếng nói của một số người kinh doanh dịch vụ porter lên Fan sắp ít việc… Những người gắn bó với Fan, hiểu dãy Hoàng Liên từng ngóc ngách, thì không phản đối hệ thống cáp treo này.
Từ ngày cao tốc Lào Cai hoàn thành, cuối tuần Sapa không còn chỗ đỗ xe, nhà nghỉ không còn trống, bởi lượng khách rất đông. Cáp treo đi vào hoạt động, thì lượng khách muốn được lên “thiên đường” kéo lên còn đông nữa. Ngành du lịch Sapa sẽ phát triển đột phá hơn nữa.
Người Lào Cai sẽ vui khi thu hút được khách du lịch. Còn những người yêu thiên nhiên, yêu dãy Hoàng Liên Sơn, có tâm huyết với núi rừng, sẽ vui hơn, khi Hoàng Liên Sơn được bảo vệ chặt chẽ hơn bởi cả chính quyền và doanh nghiệp.
Người ta sẽ giữ rừng tuyệt đối, giữ nguyên vẹn cảnh quan, để du khách từ trên mây có cái để mà chiêm ngưỡng. Chả ai dại gì tiếp tay phá trụi rừng, san bằng núi để du khách ngồi trên cáp ngắm những quả núi trọc lốc trọc lơ./.
Ý kiến ()