Thứ Hai, 25/11/2024 22:28 (GMT +7)

Câu chuyện trong ngày: Sự cao thượng

Thứ 5, 18/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Hình ảnh 2 VĐV Nikki Hamblin (New Zealand) và Abbey D’Agostino (Mỹ) động viên nhau về đích ở vòng loại cự ly 5.000m nữ khiến cả thế giới xúc động, nhiều người đã nghẹn ngào. Họ không thắng trên đường đua, nhưng lại chiếm trọn cảm tình của tất cả vì hành động đầy tính nhân văn và thể hiện tinh thần cao thượng ở đấu trường Olympic.

Cho đến lúc giã từ sự nghiệp, có lẽ Nikki Hamblin cũng khó mà quên được nghĩa cử của người đồng nghiệp xa lạ Abbey trên đường đua Olympic. Cô té ngã và ngỡ rằng mình phải bỏ cuộc vì không thể gượng dậy nổi, dù mới qua được chừng 3.000m. Thế nhưng, trong khoảnh khắc thất vọng đến tột cùng ấy, một đôi tay đã vực cô đứng dậy, kèm theo lời động viên: “Đứng dậy nào. Chúng ta cần phải hoàn thành phần thi của mình vì vẫn còn 2.000m nữa để vượt qua và vì đây là đấu trường Olympic”. Mọi đớn đau thể xác dường như tan biến, Abbey và khát vọng Olympic đã trở thành động lực giúp Nikki gồng mình đứng lên và chạy về đích.

cao thuong

Trả nghĩa Abbey bằng hành động hỏi thăm, sau đó khi nhìn thấy VĐV người Mỹ phải cà nhắc trên đường đua, chưa bao giờ trong suốt sự nghiệp của mình, Nikki lại chạy chậm đến thế. Họ về đích cuối cùng trong số 17 VĐV góp mặt ở đợt chạy thứ 2 cự ly 5.000m nữ (Nikki xếp hạng 15, trong khi Abbey xếp ở vị trí thứ 16).

Thế nhưng, điều mà cả hai đã thể hiện, trước sự chứng kiến của cả thế giới, thì thật cao thượng và đẹp đẽ. Và đương nhiên, Ban tổ chức môn điền kinh đã xét cho cả hai được dự tranh đợt chạy chung kết, dù thành tích của họ là chưa đủ. Ở đây, lần đầu tiên tại Olympic 2016, người ta đã dựa vào cảm xúc hơn là về yếu tố chuyên môn. Chuyện này thật hy hữu…

Hành động tuyệt vời của 2 cô gái dũng cảm ấy đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng và nhận được những sẻ chia đầy cảm phục. Môn thể thao “nữ hoàng” bỗng được thơm lây, còn Nikki và Abbey, chắc chắn còn được ca tụng và lấy làm biểu tượng cho sự cao thượng của đấu trường Olympic mãi về sau này.

Đôi khi, chiến thắng đến thật lạ kỳ và không nhờ vào tấm HCV danh giá ở đường đua, mà bằng nghĩa cử và hành động ôm nhau ở đích đến của những người… cùng thất bại. Abbey D’Agostino được ví như VĐV có trái tim cao cả. Chắc chắn điều đó sẽ truyền cảm hứng cho những nhà thể thao xuất sắc của thế giới hướng đến vẻ đẹp Chân-Thiện-Mỹ mà Olympic đang nỗ lực khai phá.

Ông Thomas Bach – Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) – mấy ngày trước từng tự hào nói rằng Olympic khiến con người ta xích lại gần nhau, xóa nhòa mọi ranh giới và khi điều đó được chính những nhà thể thao tôn vinh, ngày hội lớn nhất hành tinh càng đến gần với sự hoàn hảo. Người đứng đầu IOC đã xúc động mạnh khi trao HCV cho võ sỹ Majlinda Kelmendi của Kosovo và lắng nghe chính nhà vô địch này tâm sự rằng cô đến với Olympic 2016 với mong muốn chiến thắng của mình có thể giúp quê hương thoát khỏi cuộc nội chiến triền miên, giúp hàn gắn những nỗi đau và tạo ra cơ hội cho trẻ em được đến trường, thay vì cả tuổi thơ phải sống trong hầm trú ẩn bom đạn.

Ông Bach có thể không nhớ về lời động viên của mình trong lần ghé thăm thể thao Kosovo hồi năm ngoái, nhưng ý chí và nghị lực phi thường của Majlinda bắt buộc ông phải ghi vào sâu thẳm trái tim, để trong nỗ lực điều hành IOC, ông luôn coi đấy là giá trị đích thực mà phong trào Olympic hiện đại đã tạo ra…

Theo SGGP

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu