Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 21/11/2024 22:01 (GMT +7)
Chất tạo nạc vẫn đe dọa an toàn thực phẩm
Thứ 5, 31/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang là nỗi lo lớn của ngành nông nghiệp nói riêng và toàn thể người tiêu dùng nói chung.
Sử dụng chất cấm ngày càng nghiêm trọng
Thời gian qua, sau khi kiểm tra các địa bàn trọng điểm về chăn nuôi trên cả nước, các cơ quan thanh tra liên ngành liên tục phát hiện các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm để tăng trọng nhanh cho lợn.
Lấy mẫu để phát hiện chất cấm tại trạng trại của Công ty CP Việt Nam. Ảnh: Lê Đức Hoảnh – TTXVN |
Mới đây nhất, ngày 16/12/2015, nhận được tin báo của người dân qua đường dây nóng, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Công an… đã kiểm tra đột xuất 2 cơ sở giết mổ gia súc là Út Hảo và Tân Bình trên địa bàn tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng phát hiện lợn đưa vào giết mổ có sử dụng chất cấm salbutamol (chất tạo nạc).
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT cho biết, tại các cơ sở này, đang có hàng trăm con lợn chuẩn bị được đưa đi giết mổ. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng thanh tra chuyên ngành phát hiện 5 trong tổng số 10 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol. Cá biệt, có trường hợp lợn vừa được sử dụng salbutamol xong đã đưa ngay vào giết mổ, khiến tỉ lệ salbutamol có trong sản phẩm vượt hơn 170 lần ngưỡng cho phép. Nguồn lợn giết mổ từ 2 cơ sở này được thu mua từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Trung bình mỗi ngày mỗi cơ sở giết từ 130 đến gần 400 con.
Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Bính Thân sắp tới, từ nay tới 25/3/2016, UBND thành phố Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến cấp xã, phường, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong năm, đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân như: rau, thịt, rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, dịch vụ ăn uống…; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tại làng nghề, cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và các lễ hội xuân năm 2016. |
Trước đó 1 tuần, cũng từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan liên ngành phát hiện Công ty Minh Anh trụ sở địa bàn tỉnh Bình Dương sử dụng Salbutamol đậm đặc tới 98% bán cho cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi. Qua đấu tranh khai thác, chủ cơ sở Minh Anh khai nhận, trong 2 năm 2014 – 2015 đã nhập tới hơn 3 tấn Sanlbutamol từ Ấn Độ, sau đó bán chất cấm cho một số công ty khác, trong đó có công ty TNHH Sea Bird chuyên sản xuất thức ăn thủy sản.
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, hơn một tháng qua, lực lượng thú y phát hiện 11 trang trại sử dụng thức ăn có chất cấm Sabutamol để nuôi heo. Cụ thể, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất 2 trại nuôi heo ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc phát hiện hai chủ trại đang nuôi 400 con, sử dụng chất cấm với hàm lượng cao nhằm làm cho heo tăng trọng nhanh. Ngoài ra, qua xét nghiệm ở 88 trang trại nuôi heo, phát hiện 9 mẫu dương tính với chất cấm, Thú y Đồng Nai đã xử phạt 9 trại gần 130 triệu đồng. Các trang trại chăn nuôi heo vẫn lén lút sử dụng chất cấm, chưa có dấu hiệu giảm.
Trước đó, đầu tháng 12, tại khu vực phía Bắc, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện tại huyện Hoài Đức, Quốc Oai, thành phố Hà Nội có một số người giao hàng mang cám đến bán cho các chủ trang trại chăn nuôi, tặng kèm một số gói bột màu trắng, có chứa chất tạo nạc salbutamol.
Còn trong đợt cao điểm về kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi từ tháng 10 đến tháng 12/2015 , thanh tra Bộ NN&PTNT và C49 (Bộ Công an) đã lấy được 89 mẫu phân tích là thức ăn chăn nuôi của các công ty nghi vấn. Kết quả phân tích cho thấy có 23 mẫu là dương tính với chất cấm Salbutamol trong đó có 16 mẫu là vượt ngưỡng. Qua thanh tra đột xuất ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội, các lực lượng chức năng cũng phát hiện 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm.
Ông Phạm Tiến Dũng, thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết thêm, theo phản ánh của nhiều cơ sở chăn nuôi, có hiện tượng các thương lái đã đề nghị thẳng với người chăn nuôi, nếu lợn có chất tạo nạc sẽ mua với giá 45.000 đến 46.000 đồng/kg. Nhưng nuôi lợn không có chất tạo nạc, giá thu mua chỉ từ 42.000 – 43.000 đồng/kg, có thể vẫn bị từ chối không mua, hoặc ép giá xuống thấp hơn.
Phải xử lý tận gốc
Để giải quyết triệt để vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Việc lấy mẫu để phát hiện cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Phải xử lý được tận gốc, bắt và xử lý các đối tượng buôn bán, tàng trữ, sản xuất chất cấm thì mới loại bỏ được chất cấm”.
Để đối phó với vấn nạn này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt vừa ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Theo đó, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT – làm trưởng ban, lãnh đạo các cơ quan công an, công thương, y tế thành phố là thành viên. Ban chỉ đạo sẽ có nhiệm vụ thực hiện đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra chất cấm trong hoạt động chăn nuôi đến cuối tháng 2/2016.
Bộ NN&PTNN cũng đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ quan Thanh tra của Bộ nhận được khoảng 20 ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng mất VSATTP.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để đấu tranh với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lâu dài, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng rộng rãi mô hình khép kín theo chuỗi thực phẩm an toàn, từ sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm. “Việc giám sát, quản lý chất lượng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn sẽ giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng’, ông Hùng đề xuất.
Ý kiến ()