Theo ADB, nếu tính cả chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, các số liệu ước tính tăng lên hơn 26 nghìn tỷ USD, tương đương 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Báo cáo chủ đề “Đáp ứng Nhu cầu về Cơ sở Hạ tầng của Châu Á” của ADB cho thấy khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang tập trung vào lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông, nước và vệ sinh. Báo cáo đã rà soát toàn diện các hoạt động đầu tư và cổ phiếu cơ sở hạ tầng hiện thời, nhu cầu đầu tư trong tương lai, và các cơ chế tài trợ cho Châu Á đang phát triển.
Các khoản đầu tư lớn nhất là 14,7 nghìn tỷ USD cho năng lượng và 8,4 nghìn tỷ USD cho giao thông. Đầu tư trong lĩnh vực viễn thông sẽ là 2,3 nghìn tỷ USD, còn nước và vệ sinh có mức chi phí là 800 tỷ USD trong cả giai đoạn.
Phân tích của ADB cho thấy, khi tính cả các chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, Đông Á sẽ chiếm 61% nhu cầu cơ sở hạ tầng tính tới năm 2030. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ trên GDP, Thái Bình Dương sẽ vượt tất cả các tiểu vùng khác, với nhu cầu đầu tư chiếm tới 9,1% GDP. Tiếp đó là khu vực Nam Á với 8,8%, Trung Á: 7,8%, Đông Nam Á: 5,7% và Đông Á: 5,2% GDP.
ADB cho rằng nhu cầu ước tính 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm (đã điều chỉnh theo biến đổi khí hậu) là hơn gấp đôi so với con số 750 nghìn tỷ USD mà ADB ước tính vào năm 2009.
Việc đưa vào các khoản đầu tư liên quan tới khí hậu là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự gia tăng này. Một yếu tố còn quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng nhanh tiếp tục được dự báo cho khu vực, tạo ra nhu cầu về cơ sở hạ tầng mới. Việc đưa vào báo cáo tất cả 45 nước thành viên ADB tại Châu Á đang phát triển, so với 32 nước trong báo cáo năm 2009, và sử dụng giá năm 2015 thay vì giá năm 2008 cũng góp phần giải thích cho sự gia tăng này.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết: “Nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở Châu Á và Thái Bình Dương vượt xa rất nhiều so với mức cung hiện thời. Châu Á cần xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng để thiết lập tiêu chuẩn chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và ứng phó thách thức cấp bách toàn cầu là biến đổi khí hậu”.
Theo phân tích của ADB, việc phát triển cơ sở hạ tầng tại 45 quốc gia nêu trong báo cáo đã có sự gia tăng vượt bậc trong những thập niên gần đây, giúp thúc đẩy tăng trưởng, giảm nghèo, và cải thiện đời sống của người dân. Nhưng ADB cho rằng vẫn còn sự thiếu hụt đáng kể về cơ sở hạ tầng, với hơn 400 triệu người vẫn thiếu điện, 300 triệu người chưa được tiếp cận nước an toàn, và khoảng 1,5 tỷ người không được tiếp cận điều kiện vệ sinh cơ bản.
Rất nhiều nền kinh tế trong khu vực thiếu các công trình cảng, đường sắt và đường bộ tương xứng, có thể giúp họ kết nối hiệu quả hơn tới các thị trường lớn hơn ở trong nước và toàn cầu, báo cáo của ADB chỉ ra.
“ADB sẽ thúc đẩy các chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, cũng như những cải cách về thể chế và quy định để xây dựng danh mục các dự án hợp tác công – tư (PPP) khả thi để đầu tư”, ông Nakao nói thêm.
VOV-VN
Ý kiến ()