Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 22:31 (GMT +7)
Châu Âu những ngày không yên ả
Thứ 3, 01/12/2020 | 15:27:00 [GMT +7] A A
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái kép lần đầu tiên trong gần 10 năm và Ủy ban châu Âu (EC) đã phải cảnh báo làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới không chỉ làm chậm đà phục hồi kinh tế của Eurozone mà kinh tế khu vực khó trở lại bình thường trước năm 2023.
Bờ vực suy thoái kép
Theo giới chuyên gia, kinh tế Eurozone sẽ giảm 2,5% trong quý IV/2020 sau khi tăng kỷ lục 12,3% trong quý III do phần lớn các nước châu Âu đang chật vật ngăn chặn tốc độ lây nhiễm tăng đột biến của dịch COVID-19.
Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bologna, Italy, ngày 15/4/2020.
Ảnh: THX/TTXVN
Có tới 44/55 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters dự báo kinh tế Eurozone hiện đã tiến rất gần tới suy thoái kép bởi các biện pháp phong tỏa mới và các biện pháp hạn chế được áp đặt trên diện rộng nhằm ứng phó với làn sóng COVID-19 thứ hai. Trước đó, tại thời điểm “đỉnh” dịch COVID-19 lần thứ nhất, chỉ có 3 chuyên gia dự đoán kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái kép.
Chuyên gia kinh tế Angel Talavera tại Oxford Economics nhận định khi những nguy cơ suy giảm kinh tế tiếp tục trở thành hiện thực và tình hình y tế tiếp tục xấu đi, dường như sự phục hồi kinh tế diễn ra trong Eurozone kể từ tháng Năm vừa qua đã kết thúc. Nền kinh tế Eurozone sẽ phải chứng kiến một cuộc suy thoái kép trong quý IV/2020. COVID-19 đang gây ra nhiều rủi ro và làm giảm hy vọng về khả năng phục hồi nhanh của Eurozone. Theo EC, kinh tế Eurozone sẽ giảm 7,8% trong năm 2020, thay vì giảm ở mức 8,7% như dự báo trước đó.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo kinh tế Eurozone sẽ chứng kiến một “sự lao dốc lịch sử” trong năm 2020 dù không quá nghiêm trọng như cảnh báo ban đầu, song đà phục hồi sẽ chậm hơn. Theo IMF, kinh tế Eurozone sẽ giảm 8,3% trong năm nay, một cú “rơi tự do” chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại Suy thoái trong thập niên 1930. Tuy nhiên, con số này đã có phần tích cực hơn mức dự báo hồi tháng 6/2020 là suy giảm 10,2%.
Còn theo công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, kinh tế Eurozone sẽ giảm ở mức kỷ lục 7,4% trong năm 2020 trước khi phục hồi vào năm 2021.
Về triển vọng năm 2021 IHS Markit cũng khá lạc quan khi đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng 3,7% của kinh tế của Eurozone nhờ hy vọng vào các tiến triển trong việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm.
Trong dự báo mới nhất, EC nhận định kinh tế Eurozone sẽ tăng 4,2% trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6,1% được đưa ra vào tháng 7/2020. Lý do là kinh tế Eurozone đang “hụt hơi” dù ghi nhận sự phục hồi tốt hơn dự báo vào giữa năm nay. Còn IMF cho rằng kinh tế Eurozone sẽ có thể tăng trưởng 5,2% vào năm 2021, thấp hơn mức tăng trưởng 6% trong dự báo trước.
Khó vượt qua bất đồng
Trong kinh tế Eurozone đang lâm nguy thì tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 11/2020 các nhà lãnh đạo EU lại không thể đạt được nhất trí về kế hoạch ngân sách và phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ euro, mặc dù nhu cầu của nhiều nước được giải ngân hàng tỷ euro hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong thời kỳ dịch COVID-19 vẫn hoành hành, đang hết sức cấp bách.
Kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU có tổng trị giá khoảng 1.800 tỷ euro, bao gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro, vốn được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng Bảy vừa qua sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng từng khiến EU phải kéo dài hội nghị thượng đỉnh khi đó từ 2 ngày thành 4 ngày. Kế hoạch này phải được Hội đồng Liên minh châu Âu cũng như Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, trong đó EP đặt điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU.
Hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến cũng không tránh được “vết xe đổ” khi Ba Lan và Hungary kiên quyết phản đối điều kiện trên và đã bác kế hoạch ngân sách của EU. Theo quy định, các kế hoạch này sẽ không thể triển khai nếu không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các nước thành viên và EP, đồng nghĩa hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ chưa được tiếp cận với nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn nhất.
Bất đồng giữa Ba Lan, Hungary với các thành viên khác của EU về cơ chế gắn việc tiếp cận nguồn tài trợ với tôn trọng nguyên tắc pháp quyền là một vấn đề hóc búa, một cuộc họp trực tuyến là quá khó để thu hẹp bất đồng, so với những cuộc trao đổi trực tiếp song phương như hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Bảy. Chính vì vậy, các bên nhất trí sẽ dành thời gian để xem xét thêm.
Bất đồng về kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế diễn ra trong bối cảnh châu Âu một lần nữa phải đối phó với làn sóng COVID-19 mới , khiến một số nước phải thực hiện những biện pháp hạn chế và tái phong tỏa.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiệm vụ trước mắt của EU là tìm ra lối thoát khỏi tình trạng bế tắc về ngân sách. Kế hoạch phục hồi được xây dựng nhằm thúc đẩy kinh tế EU sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra. Việc kế hoạch này chưa được thông qua sẽ làm trì hoãn tiến độ thanh khoản hàng trăm tỷ euro vào thời điểm 27 quốc gia thành viên đang phải vật lộn với làn sóng COVID-19 thứ hai và kinh tế toàn khối tiếp tục đối mặt nguy cơ suy thoái trong quý IV năm nay. Nhiều quan chức EU đánh giá đây là một cuộc mặc cả đầy nguy hiểm, và nếu các bất đồng không thể được giải quyết thì nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng mới là hoàn toàn có thể.
Nhiệm vụ nặng nề của ngân sách 2021 là lấp khoảng trống do việc nước Anh rời EU và khôi phục nền kinh tế điêu đứng bởi sự tàn phá của đại dịch. Hạn chót là giữa tháng 12 tới kế hoạch trên phải được thông qua. Nếu không, EU sẽ không có ngân sách vào tháng 1/2021 và khi đó không biết các nền kinh tế thành viên sẽ xoay sở ra sao.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chau-au-nhung-ngay-khong-yen-a-20201201140054191.htm
Ý kiến ()