Thứ Sáu, 29/11/2024 01:53 (GMT +7)

Chủ động phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân

Thứ 3, 31/07/2018 | 09:53:00 [GMT +7] A  A

An Giang là tỉnh đầu nguồn, nằm giữa hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu. Thời gian qua, do đặc điểm về địa hình, địa chất cùng với các yếu tố tác động từ thượng nguồn, tác động của biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế – xã hội…, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch đã gia tăng, gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Những con số đáng báo động
Hiện trường vụ sạt lở tại ấp Kiến Thuận, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (cặp bờ sông Ông Chưởng), ngày 21/5/2017.
Ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ sạt lở, kênh rạch (trong đó có 17 điểm sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch chính và 19 điểm sạt lở đê bao kết hợp giao thông ở kênh rạch nhỏ) với tổng chiều dài sạt lở 1.837m; làm mất 4.414m2 đất làm ảnh hưởng đến 49 căn nhà (trong đó một căn nhà sụp hoàn toàn, 7 căn nhà sụp một phần xuống sông) cùng với nhiều tài sản và các công trình hạ tầng khác bị ảnh hưởng. Ước tổng thiệt hại trên 4,2 tỷ đồng.

So với cùng kỳ, sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh không tăng về số vụ, mức độ nghiêm trọng và thiệt hại ít hơn (6 tháng đầu năm 2017 xảy ra 18 vụ). Song có 19 vụ sụt lún, sạt lở các tuyến đê, bờ kênh, đường giao thông của kênh rạch nhỏ trên địa bàn tỉnh đang diễn ra rất mạnh so với năm 2017.

Kết quả đo đạc, quan trắc cảnh báo sạt lở năm 2017 cho thấy, An Giang có 51 đoạn sông, kênh, rạch thuộc diện cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài 162,6 km/400 km đường bờ. Sạt lở có thể ảnh hưởng đến 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.

So với kết quả cảnh báo sạt lở năm 2016, số đoạn cảnh báo không tăng (51/51) nhưng số đoạn cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm tăng 1 (6/5), số đoạn ở mức độ nguy hiểm giảm 1 (31/32), số đoạn ở mức độ trung bình tăng 1 (11/10) và số đoạn ở mức độ nhẹ giảm 1 (3/4).
Đáng lưu ý là có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ xảy ra sạt lở là rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn, cần có giải pháp phòng tránh và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra, bao gồm: các đoạn trên dòng sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) dài 6.900m; xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) dài 1.900 m, xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên) dài 3.300 m; phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình (thành phố Long Xuyên) dài 4.300m; đoạn Sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới dài 3.000 m…

Theo ông Trần Đặng Đức, nguyên nhân sạt lở được các cơ quan chức năng đánh giá chủ yếu là do yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế – xã hội như ghe tàu, khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải hai bên bờ sông…

Mặc khác, An Giang là khu vực có nền đất yếu, dễ bị bào mòn, cùng với đó là sự thay đổi dòng chảy, biên độ chênh lệch của đỉnh triều – chân triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy nước. Dân cư phát triển nhanh, tăng mật độ xây dựng nhà ở bê tông kiên cố, xây dựng công trình kho bãi nhà máy, công trình giao thông, chất tải gần bờ sông làm tăng tải trọng vượt khả năng chịu tải của bờ sông. Việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động… cũng dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch.

Cần những giải pháp đồng bộ

Ngày 10/8/2017, tại khu vực tổ 10, ấp An Thạnh, xã Hòa An, huyện Chợ Mới (An Giang) xảy ra sạt lở bờ sông nghiêm trọng với chiều dài khoảng 200m.
Để chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế sạt lở trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh yêu cầu UBND các địa phương khẩn trương có phương án sắp xếp dân cư để ổn định cuộc sống cho người dân khu vực sạt lở; ưu tiên các hộ hiện chưa có chỗ ở ổn định (29 hộ huyện Chợ Mới và 7 hộ ở thành phố Long Xuyên). Đồng thời, các địa phương tiếp tục chủ động cấm phương tiện tải trọng lớn đi qua các đoạn sạt lở, cắm biển báo sạt lở, hướng dẫn tuyến giao thông thay thế đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Trên cơ sở kết quả quan trắc, khảo sát chi tiết và đánh giá các vấn đề liên quan đến sạt lở, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở (ngoài khu vực Châu Phong – thị xã Tân Châu đã triển khai), phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện chấn chỉnh và siết chặt xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép.
Đối với các điểm thường xuyên có tình trạng khai thác cát trái phép, Sở Tài nguyên và Môi trường cần có đề xuất với UBND tỉnh để chỉ đạo UBND các huyện và xã lập các chốt kiểm soát để ngăn chặn. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện “Nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở sớm từ xa và tự động ở An Giang”.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở; tiến hành khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm làm cơ sở cho các địa phương tiến hành thống kê hộ dân và lập quy hoạch dân cư, giao thông và xây dựng kế hoạch di dời ra khỏi khu vực sạt lở.

Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân hiểu về mặt lợi và hại, để người dân có ý thức bảo vệ, phòng chống sạt lở, không xây cất nhà cửa lấn chiếm bờ sông, không khai thác đất cát ven sông, di dời nhà ở đến nơi an toàn…
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải…) rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Đặc biệt là chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đề xuất giải pháp quản lý về giao thông, xây dựng trên khu vực bờ sông kênh rạch và khu vực cảnh báo sạt lở; không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép.
Bên cạnh đó, các địa phương cần bám sát các dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn, thường xuyên theo dõi, tuyên truyền, cảnh báo người dân; thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại các khu vực đoạn cua cong; cắm biển báo cảnh báo khu vực sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình trong khu vực cảnh báo sạt lở.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh, đến thời điểm này, các địa phương đã sắp xếp dân cư ổn định cho 9/45 hộ vào các khu vực đất công, cụm dân cư vượt lũ (3 hộ ở huyện An Phú, 4 hộ ở thị xã Tân Châu và 2 hộ ở huyện Chợ Mới). 36 hộ các địa phương đang tính toán để thực hiện bố trí tiếp (29 hộ thuộc huyện Chợ Mới và 7 hộ ở thành phố Long Xuyên). Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương rà soát, nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời dân cư vùng sạt lở.

Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, quy định tiêu chuẩn, tiêu chí về phương tiện và hoạt động giao thông thủy, bộ, phân luồng giao thông thủy, bộ hợp lý để hạn chế tác động gây ra sạt lở bờ sông ở một số địa điểm có nguy cơ sạt lở và phục vụ cho địa phương lập quy hoạch dân cư, giao thông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tranh thủ vốn Trung ương để đầu tư các cụm tuyến dân cư, tuyến kè trọng điểm cho các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.

Bài và ảnh: Công Mạo (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu