Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 05:38 (GMT +7)
Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nền Thể dục Thể thao của chế độ mới
Thứ 5, 03/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Đối với lĩnh vực thể dục thể thao trong đời sống xã hội, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm định hướng về quan điểm và mục tiêu phát triển.
1. Định hướng phát triển thể dục thể thao.
Đối với lĩnh vực thể dục thể thao trong đời sống xã hội, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm định hướng về quan điểm và mục tiêu phát triển. Thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng quan tâm đến thể dục thể thao như một vũ khí đấu tranh, một phương tiện tập hợp lực lượng, giác ngộ quần chúng, nhất là thanh niên, vùng lên tham gia đấu tranh đánh đuổi thục dân Pháp, phát xít Nhật, giải phóng dân tộc. Ngay từ năm 1941, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh đã nêu lên những định hướng đầu tiên về quan điểm, chính sách thể dục thể thao của chính quyền cách mạng. “Chương trình Việt Minh” công bố tháng 10/1941 (được bổ chính tháng 3/1944) đề cập một hệ thống chính sách của nước Việt Nam mới,trong đó có nội dung về thể dục thể thao: “Khuyến khích và giúp đỡ nền thể dục quốc dân, làm cho nòi giống ngày càng thêm mạnh” và “Trẻ em được Chính phủ đặc biệt săn sóc về thể dục, trí dục và đức dục”.
Ngay sau ngày Cách mạng thành công,Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lãnh đạo nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vừa quan tâm khắc phục nạn yếu, tức là sức khỏe sút kém của nhân dân, hậu quả của chế độ thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột kéo dài, trực tiếp là nạn đói và chiến tranh. Trong hoàn cảnh đó, dù công việc lãnh đạo đất nước vô cùng bề bộn, nhưng với trí tuệ siêu việt, tinh thần cách mạng và tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho công tác thể dục thể thao một mối quan tâm đặc biệt.
Từ yêu cầu của thực tế và định hướng chính sách đã nêu trên, đặt ra nhiệm vụ sớm xây dựng và phát triển nền thể dục thể thao của chế độ mới để góp phần bồi bổ sức khỏe của nhân dân, cải tạo nòi giống. Do vậy, phải thành lập cơ quan lãnh đạo, chỉ huy về thể dục thể thao quốc gia.
Bác Hồ chơi bóng chuyền với các chiến sĩ bảo vệ (Ảnh tư liệu)
2. Thiết lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên
Trung tuần tháng 12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông Dương Đức Hiền, Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Lâm thời, chuẩn bị thành lập tổ chức cơ quan thể dục thể thao trung ương. Ông Dương Đức Hiền đã gặp gỡ, họp mặt một số người hoạt động thể dục thể thao trước đây để bàn việc lập cơ quan thể dục thể thao của Chính quyền Cách Mạng. Nòng cốt giúp ông Dương Đức Hiền trong việc tổ chức ban đầu là các ông Hà Đức Toàn, Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Văn Phú, Trần Văn Dzị, Lê Văn Lãng… Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, đã hoàn tất các thủ tục để Bộ Thanh niên trình Chính phủ phê duyệt thành lập tổ chức thể dục thể thao.
Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời ký Sắc lệnh số 14 thiết lập tại Bộ Thanh Niên một Nha Thể dục Trung ương. Sắc lệnh số 14 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao, khai sinh nền thể dục thể thao của chế độ mới.
Toàn văn Sắc lệnh 14
Việc thành lập Nha Thể dục Trung ương mở đầu một thời kỳ mới trong lịch sử thể dục thể thao Việt Nam – thời kỳ hình thành, xây dựng và phát triển nền thể dục thể thao cách mạng, thực sự của dân, do dân, vì dân trong chế độ mới.
Nha Thể dục Trung ương hoạt động trong tổ chức bộ máy của Bộ Thanh niên thuộc Chính phủ Liên hiệp Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 1/1/1946, sau khi Chính phủ Lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp Lâm thời, Bộ Thanh niên vẫn là thành viên của Chính phủ.
3. Thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia Giáo dục.
Sau cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I tại Hà Nội ngày 2/3/1946 đã quyết định thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến gồm 10 Bộ. Trong các thành viên của Chính phủ này không còn Bộ Thanh niên, Bộ Thông tin – Tuyên truyền; riêng các Bộ Cứu tế – Xã hội, Bộ Lao động, Bộ Y tế hợp nhất thành Bộ Xã hội kiêm Y tế – Cứu tế và Lao động.
Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến sắp xếp lại tổ chức và nhân sự cho phù hợp với điều kiện và yêu cầu mới, trong đó có tổ chức của ngành thể dục thể thao.
Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ mới ký Sắc lệnh số 38 về việc thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục, gồm Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương.
Sắc lệnh số 38 có mục đích chủ yếu là để chuyển đổi về tổ chức, hợp nhất cơ quan Thanh niên với cơ quan Thể dục đặt trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Do vậy, Sắc lệnh số 38 tiếp tục việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Sắc lệnh số 14. Điều này được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật tiếp theo.
Toàn văn Sắc lệnh 38
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh hô hào đồng bào tập thể dục
Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là người khai sinh nền thể dục thể thao của chế độ mới. Chỉ trong vòng ba tháng Người đã ký ban hành hai Sắc lệnh xây dựng nền thể dục thể thao cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp động viên toàn dân tập thể dục. Cùng thời điểm công bố Sắc lệnh số 38, báo “Cứu quốc”, cơ quan tuyên truyền,tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, trong số 119, ra ngày 27/3/1946, đã đăng trang trọng ở trang nhất lời hô hào tập thể dục của Người.
Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong dịp này, bài “Sức khỏe và Thể dục” còn được đăng trên báo “ Việt Nam Khỏe – Cơ quan vận động phổ thông thể dục thể thao của Nha Thể dục Trung ương Việt Nam” số 1, ngày 30/3/1946, và phổ biến nhanh chóng đến cơ quan thể dục thể thao các cấp, trong các ngày hội khỏe địa phương, cổ vũ mạnh mẽ phong trào “ Khỏe vì Nước” mới phát triển trong các tầng lớp nhân dân.
Bài viết với lời hô hào thiết tha, đầy lòng yêu nước thương nòi và tính nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở quan điểm, tư tưởng soi sáng vị trí công tác thể dục thể thao trong sự nghiệp cách mạng. Lời hô hào có sức mạnh định hướng, dẫn dắt và cổ vũ xuyên suốt thời gian.
Với sự kiện có ý nghĩa lịch sử và truyền thống đó, sau này, từ năm 1991, ngày 27/3 hàng năm được Nhà nước lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam”
5. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm sóc, cổ vũ hoạt động thể dục thể thao của nhân dân.
Trong muôn vàn công việc bề bộn thời kỳ đầu cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm dành thời gian theo dõi, chỉ đạo, chăm sóc từng bước phát triển công tác thể dục thể thao. Người đã nhiều lần đến thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên Trường Cán bộ Thể dục Việt Nam, lớp Thể dục – Quân sự phổ thông Hà Nội. Người căn dặn cần coi trọng công tác đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao để xây dựng hệ thống tổ chức của ngành và làm nòng cốt mở rộng phong trào luyện tập trong toàn dân.
Trong năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang công cán ở nước Pháp hơn bốn tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), theo lời mời của Chính phủ Pháp. Ngay trước ngày lên đường sang Pháp, tối 29/5/1946, Người đã tiếp than mật các cán bộ Nha Thanh niên và Thể dục và đại biểu thanh niên – thể dục các tỉnh tại Bắc Bộ phủ. Sauk hi thăm hỏi công việc vận động thanh niên, phát động thể dục, Người bày tỏ mong muốn dân chúng không những phải luyện tập thể dục hàng ngày và còn phải biết võ nghệ và sử dụng thành thạo vũ khí thô sơ để bảo vệ đất nước.
Ngày 10/11/1946, đến dự lễ bế giảng lớp Thể dục – Quân sự Hà Nội và khóa bổ túc các cựu huấn luyện viên Trường Cao đẳng Thể dục Phan Thiết và Đà Lạt, Người thăm hỏi các học viên và nhắc nhở: Hiện tại, ở nông thôn cũng như thành thị còn rất nhiều đồng bào yếu ớt. Là cán bộ thể dục thể thao, các học viên có bổn phận tổ chức cho đồng bào cùng luyện tập. Như vậy công phu học tập của anh em mới hữu ích.
Trong những lần đến thăm các trường học, đơn vị tự vệ cứu quốc… Người thường nhắc nhở học sinh hang hái tập luyện thể dục thể thao, kết hợp đức dục, trí dục với thể dục, động viên tự vệ, công nhân tham gia thể dục, gây đời sống mới.
Nhiều lần, để động viên các lớp huấn luyện phổ thông thể dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sáng sớm đã đến các địa điểm tập ở khu Nhà Đấu xảo (Cung Văn hóa Hữu nghị hiện nay), phố Lò Đúc, quảng trường Nhà Hát Lớn… thăm hỏi người tập và người hướng dẫn. Người cũng đã nhiều lần đến sân vận động SEPTO (sân Hà Nội ngày nay) xem thi đấu bóng đá giao hữu và được Ban tổ chức, trọng tài mời đá quả bóng danh dự mở màn trận đấu, như trong trận thi đấu chiều ngày 8/3/1946 giữa đội Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu với đội Vệ quốc đoàn, và trận đấu chiều 10/11/1946 giữa đội Liên quân Hỏa xa – Công an với đội Liên quân Vệ quốc đoàn – Nội Châu.
Trong thời gian lịch sử này, còn ghi lại tấm gương nói và làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời hô hào đồng bào tập thể dục: “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Nếp sống rèn luyện thân thể của Người đã có từ lâu, trong những năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài cũng như sau khi về nước lãnh đạo Cách mạng ở núi rừng Việt Bắc. Nhưng ngay trong những ngày vô cùng bận rộn, căng thẳng của năm 1945-1946, Người vẫn giữ nền nếp đều đặn: thức dậy trước 5g sáng tập thể dục, tập tạ tay. Và những đêm trăng sang, Người luyện võ, luyện thành thục bài Bát bộ Liên hoa quyền trên sân thượng Bắc Bộ phủ…
Thiết lập nền thể dục thể thao cách mạng, đặt cơ sở quan điểm, tư tưởng và tổ chức ở buổi ban đầu của một sự nghiệp, cũng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp sức sống mạnh mẽ cho nó khi Người nhóm lửa thiêng trong Ngày Hội Thanh niên vận động, phát động phong trào “Khỏe vì Nước” – một cuộc vận động cách mạng rầm rộ, rộng rãi trong lĩnh vực thể dục thể thao năm 1946.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thể dục thể thao, những quan điểm chỉ đạo và hoạt động thực tiễn của Người tạo lập nền móng rất cơ bản ngay từ điểm xuất phát,soi sang và phát triển trên chặng đường tiếp sau của sự nghiệp thể dục thể thao cách mạng ở nước ta.
Nguồn: P.V – thethaovietnam
Ý kiến ()