Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 10:20 (GMT +7)
Chủ tịch Liên đoàn luật sư đề nghị cân nhắc trách nhiệm hình sự của luật sư
Thứ 2, 27/02/2017 | 09:22:00 [GMT +7] A A
Chủ tịch Liên đoàn luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất, người bào chữa chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm đối với một số tội phạm cụ thể đặc biệt nghiêm trọng xâm nhập an ninh quốc gia.
Không tố giác tội phạm đối với các “tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác”, luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự như quy định tại Bộ luật hình sự 2015 là phù hợp. Đây là nhận định của Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, khi cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Điều 22 của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm đối với các loại tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Bộ luật hình sự năm 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa, bảo đảm phù hợp với đặc thù hoạt động bào chữa. Theo đó, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các “tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác”; ngay cả những người ruột thịt của người phạm tội như: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác các tội nêu trên.
Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng,để bảo đảm mọi công dân đều phải có nghĩa vụ tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm thì việc giữ như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 là phù hợp.
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Đỗ Ngọc Thịnh lại cho rằng, nếu quy định như trên thì luật sư sẽ rất khó có thể thực hiện công việc bào chữa của mình và ông bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định này.
Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, Điều 9 của Luật Luật sư quy định: nghiêm cấm luật sư thực hiện hành vi “tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Nếu thực hiện theo quy định như trên của Bộ Luật hình sự 2015 thì cần sửa đổi Luật Luật sư.
“Hơn nữa, về mặt thực tiễn thì không một khách hàng nào khi nhờ luật sư, họ trao đổi, chia sẻ với luật sư mà lại cho phép hay đồng ý cho luật sư khai báo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thiệt hại cho bản thân họ”, ông Thịnh nói.
Vì vậy, “Đề nghị cân nhắc quy định tại Khoản 3 Điều 19 trong bộ luật. Theo tôi, người bào chữa chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm đối với một số tội phạm cụ thể đặc biệt nghiêm trọng xâm nhập an ninh quốc gia như tội phản bội tổ quốc, tội gián điệp, tội khủng bố nhằm chống chính quyền, nhân dân, tội bạo loạn, phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà nước”, ông Thịnh đề xuất.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, Điều 73 của Luật tố tụng hình sự 2015 quy định người bào chữa có quyền đưa ra những tài liệu do đương sự cung cấp hoặc do mình thu thập để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng mà họ cho là có thể gỡ tội cho thân chủ của mình. Vào thời điểm thu thập, cung cấp chứng cứ có thể người bào chữa không xác định được tài liệu đó là có sai sự thật hay không. Mức độ sai sự thật đến đâu, quá trình xác định sự thật của vụ án còn phụ thuộc vào quá trình xem xét, đánh giá chứng cứ của tòa án.
Quyết định sử dụng chứng cứ đó để buộc tội hay gỡ tội không thuộc thẩm quyền quyết định của người bào chữa – hành vi không gây hậu quả cấu thành tội phạm hình sự- nên họ có thể cung cấp chứng cứ cho các cơ quan tiến hành tố tụng để các cơ quan này xem xét, quyết định. Vì thế luật sư không phải chịu trách nhiệm về hành vi cung cấp tài liệu đó. “Do đó đề nghị xem xét loại bỏ người bào chữa ra khỏi đối tượng bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 382 Bộ Luật hình sự 2015”, ông Thịnh đề xuất.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết,việc quy định trách nhiệm hình sự đối với luật sư cần thiết thì xin ý kiến Quốc hội. “Nhưng theo ý kiến, quan điểm của tôi thì nên theo quan điểm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ luật hình sự mà Quốc hội khóa 13 đã thông qua thì không nên thay đổi. Sai sót kỹ thuật thì sửa, những bất hợp lý mà nếu không sửa thì không thi hành được luật thì phải làm. Những vấn đề bổ sung mới cũng nhằm để thực hiện thống nhất, đồng bộ Bộ luật. Chứ còn thay đổi chính sách hình sự lớn thì tôi đề nghị cân nhắc”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Ý kiến ()