Đặc biệt, trong chương trình sử dụng những bản thu thanh thơ của Bác Hồ do Nghệ sỹ nhân dân Trần Thị Tuyết, Nghệ sỹ Ưu tú Vũ Kim Dung ngâm và bài thơ năm 1967 do chính Bác Hồ đọc. Bên cạnh đó là các bài hát phổ thơ Bác và những bài hát viết về Người như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao), Đôi dép Bác Hồ (Văn An), Bác Hồ một tình yêu bao la (Thuận Yến); Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (An Thuyên); Tiến lên chiến sĩ đồng bào (Huy Thục),; Tây Nguyên mừng đón thơ Bác (Doãn Nho); Mùa xuân con vẫn nghe thơ Bác (Trần Viết Bính); Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường); Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp)…
Trong phần tọa đàm, Giáo sư Hà Minh Đức và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã phân tích về giá trị của thơ Tết Bác Hồ và bày tỏ tình cảm của mình với Bác Hồ kính yêu và những vần thơ thép “mà vẫn bao la bát ngát tình”. Phần phóng sự truyền hình có ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhạc sĩ Huy Thục và các tầng lớp nhân dân về thơ Tết của Bác.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời của non sông” đã một lần nữa khẳng định: Thơ chúc Tết của Bác không chỉ là mệnh lệnh chiến đấu, lời kêu gọi kháng chiến mà còn là lời nói giản dị, ấm áp của một vị lãnh tụ gần gũi với dân chúng, ở bên dân chúng trong những thời khắc thiêng liêng của đất nước, nhất là những ngày Tết; thể hiện tầm nhìn của Bác – một nhà tiên tri, nhà tư tưởng, nhà quân sự.
Trong những bài thơ dù ngắn, nhưng thể hiện nhãn quan của Bác về thế trận, chiến sự, những tiên đoán cho cục diện chiến trường, phía sau đó luôn là tinh thần lạc quan của Người, luôn lo lắng cho cuộc sống của người dân. Cùng với đó là những bài thơ – lời kêu gọi của Người đã cộng hưởng với các thế hệ văn nghệ sĩ – chiến sĩ, thúc giục những sáng tạo trong họ để cho ra đời những tác phẩm viết về Bác Hồ, về mùa xuân, về đất nước./.
VOV-VN
Ý kiến ()