Thứ Ba, 22/04/2025 12:20 (GMT +7)

Chung tay xây dựng chính quyền của nhân dân

Thứ 3, 22/04/2025 | 10:50:58 [GMT +7] A  A

Trong bối cảnh đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, việc cải cách và hiện đại hóa chính quyền địa phương (CQĐP), tỉnh Long An trở thành một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự chung tay và nhiệt huyết của toàn xã hội. Mỗi người dân, với sức mạnh và quyền lực to lớn của mình, chính là nền tảng vững chắc để xây dựng một hệ thống chính quyền mới - một CQĐP hiện đại, minh bạch và hiệu quả, thể hiện niềm tự hào sâu sắc về quê hương, đất nước.

Chính quyền địa phương hai cấp mở ra nhiều kỳ vọng

Xây dựng CQĐP hai cấp là một chủ trương mang tính quyết định, hướng tới mục tiêu tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của đất nước. Việc thực hiện Kết luận số 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư không chỉ là nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền mà còn là của nhân dân - chủ thể tối cao của quyền lực. Mô hình CQĐP hai cấp giảm chồng chéo trong quản lý, tăng cường năng lực điều hành, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Khi bộ máy tinh gọn, hiệu lực hoạt động được nâng cao, các nguồn lực xã hội sẽ được sử dụng tối ưu hơn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của nhân dân và hiện đại hóa nền hành chính. Đây chính là bước đột phá mang lại những ưu điểm thiết thực, khẳng định sức mạnh của sự cải cách.

Hiện tại, trong giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi sang mô hình CQĐP hai cấp, các buổi hội nghị, đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan chức năng được thường xuyên tổ chức nhằm khẩn trương hoàn thiện quy trình cải cách hành chính. Mục tiêu của quá trình chuyển đổi là duy trì trật tự và ổn định đời sống nhân dân, không làm gián đoạn giải quyết các công việc hàng ngày. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cam kết thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu thấp nhất các phát sinh tiêu cực, cùng với tiên đoán và khắc phục kịp thời các khó khăn, thách thức trước, trong và sau quá trình chuyển đổi.

Cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng từ trước đến nay, nhân dân luôn là trọng tâm của mọi quyết sách. Người dân với tinh thần chủ động, trách nhiệm và sự giám sát sẽ được phát huy, góp phần định hướng chính sách và thúc đẩy tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhân dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà còn phải được tạo điều kiện tham gia sâu, rộng vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Chính quyền các cấp cần bảo đảm cơ chế dân chủ để nhân dân góp ý, phản biện và giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước. Điều này bao gồm lấy ý kiến người dân về các chính sách quan trọng, tổ chức các diễn đàn, hội thảo để nhân dân có thể bày tỏ nguyện vọng, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Đồng thời, chính quyền cần nâng cao tính minh bạch trong công tác điều hành, công khai các kế hoạch phát triển, các khoản thu - chi ngân sách để nhân dân có thể giám sát, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trách nhiệm của mỗi người dân

Để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống, mỗi người dân cần thể hiện trách nhiệm bằng những hành động thiết thực. Trước hết, cần chủ động tìm hiểu, nắm thông tin chính xác về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, không để bị lôi kéo bởi những thông tin sai lệch, xuyên tạc. Thứ hai, tích cực tham gia các hoạt động đối thoại, góp ý xây dựng chính quyền tại địa phương, thể hiện tiếng nói trong đóng góp ý tưởng, sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Đồng thời, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đồng hành cùng chính quyền trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, người dân cần tăng cường sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, giảm tải thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả người dân và cơ quan quản lý Nhà nước.

Một trong những cách thiết thực để nhân dân tham gia xây dựng CQĐP là thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, các buổi đối thoại giữa chính quyền với nhân dân. Tại các diễn đàn này, nhân dân có thể nêu ý kiến, phản ánh thực trạng, đề xuất các biện pháp khắc phục những bất cập, tồn tại trong bộ máy hành chính. Chính quyền cần lắng nghe và giải quyết kịp thời, tránh tình trạng hình thức, qua loa làm mất lòng tin của nhân dân.

Ngoài ra, mỗi người dân có thể góp phần xây dựng CQĐP bằng cách thực hiện tốt nghĩa vụ công dân như tham gia bầu cử, ứng cử vào các cơ quan đại diện của nhân dân, thực hiện tốt trách nhiệm giám sát hoạt động của chính quyền thông qua các tổ chức đoàn thể, báo chí, mạng xã hội. Việc nâng cao ý thức phản biện xã hội, góp ý trên tinh thần xây dựng cũng là một phương thức quan trọng để thúc đẩy chính quyền hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng cần phát huy vai trò “cầu nối” giữa nhân dân và chính quyền, giúp tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới; đồng thời, tập hợp ý kiến từ cơ sở để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền. Khi nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng như phong trào bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự, phát triển kinh tế địa phương nghĩa là đang trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền.

Việc triển khai mô hình CQĐP hai cấp đang diễn ra trong không khí cả nước hướng đến những ngày lễ trọng đại của đất nước, đặc biệt là Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Đây là dịp khơi dậy niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, tiếp thêm khí thế “bách chiến bách thắng” để toàn dân chung sức xây dựng mô hình chính quyền mới. Tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chính là động lực để mỗi người dân tham gia góp phần kiến tạo một chính quyền vững mạnh, vì nhân dân.

Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và kênh truyền thông đóng vai trò “cầu nối”, tuyên truyền chủ trương, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, hướng đến một CQĐP hiện đại, hiệu quả. Thành công của mô hình này không chỉ nằm ở cơ chế mà còn phụ thuộc vào sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội. Mỗi hành động thiết thực của người dân chính là viên gạch xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước.

Sự thành công của mô hình CQĐP hai cấp không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Khi mỗi người dân đều ý thức rõ vai trò của mình, tích cực hưởng ứng và đóng góp bằng những hành động cụ thể, chắc chắn CQĐP sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, thực sự trở thành công cụ phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hiện đại, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Hãy để lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc lan tỏa mạnh mẽ, thôi thúc mọi người chung sức, đồng lòng xây dựng chính quyền của nhân dân - công cụ vững chắc phục vụ nhân dân và phát triển đất nước bền vững./.

Việt Trần

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu