Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 03:49 (GMT +7)
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Cần sự đồng lòng của địa phương
Thứ 2, 17/04/2017 | 11:17:00 [GMT +7] A A
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) công bố trên website của Bộ. Với nhiều điểm mới về nội dung chương trình thì băn khoăn lớn nhất của dư luận hiện nay là đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất có đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới của chương trình này.
Sẵn sàng với đội ngũ giáo viên
Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho thấy nhiều môn học tích hợp được đưa ra. Vậy làm thế nào để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng kịp.
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đúng tiến độ.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: Bộ đã và đang chỉ đạo các trường đại học sư phạm đổi mới chương trình sư phạm thích hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, đề án bồi dưỡng giáo viên đã được triển khai tới các trường sư phạm, các khoa sư phạm thuộc các trường đại học.
“Trước mắt, giáo viên môn nào sẽ vẫn giảng dạy môn đó. Còn những giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng tốt, sẽ dạy những chuyên đề tích hợp”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, thì việc tạo động lực cho giáo viên không chỉ liên quan đến ngành giáo dục nữa, mà là vấn đề nhân sự địa phương.
Nói về các đề án đào tạo đội ngũ giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Trước đó, để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD – ĐT đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 732/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”; có Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) và hiện đang hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp cũng như chuẩn, quy chuẩn về giáo viên đáp ứng chương trình này.
Về lo ngại dạy môn tích hợp đã được Bộ cân đối đội ngũ giáo viên. Trước đó, Bộ đã cho triển khai từ năm 2013, 2014 thông qua các công văn về dạy tích hợp. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi về chuyên đề tích hợp để tăng cường năng lực cho giáo viên.
Địa phương cần thực sự vào cuộc
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và GS Nguyễn Minh Thuyết đều khẳng định, việc chuẩn bị cơ sở vật chất có thành công, đáp ứng kịp với yêu cầu của chương trình phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quan tâm của địa phương.
Dẫn chứng về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Điều kiện thiết bị dạy học là vấn đề lớn. Trong văn bản nói rõ, đây là cam kết của nhà nước về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhà nước ở đây là Chính phủ, Quốc hội, chính quyền địa phương,… sẽ quyết định cải thiện điều kiện học tập, điều kiện cơ sở vật chất của các trường học. Cần nói rõ, chính quyền địa phương phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và phải đầu tư, cấp đất trường học hay nhường đất cho các dự án bất động sản, trung tâm thương mại…? Vấn đề này phải thật thẳng thắn. Trong thời gian chuẩn bị thực hiện chương trình mới, Bộ GD – ĐT đã làm việc với địa phương xem công việc chuẩn bị thế nào.
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông. Cùng với đó, thực hiện rà soát danh mục thiết bị trường học để phù hợp với chương trình mới.
Cam kết về tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, Ban phát triển chương trình làm hết khả năng và thực hiện đúng khả năng để tháng 9 này có thể ban hành chương trình giáo dục phổ thông toàn bộ các môn học.
“Tôi chắc là chương trình mới có thể triển khai được. Trong quá trình này đã được thực nghiệm về tính khả thi của chương trình. Trên cơ sở đó bộ phận biên soạn sách giáo khoa sẽ phải hoàn thiện để có bộ sách giáo khoa mới”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
Ý kiến ()