Thứ Sáu, 22/11/2024 12:41 (GMT +7)

Chuyển đất lúa vùng hạn mặn sang trồng rau màu

Thứ 4, 02/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Nhằm giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, ổn định đời sống nhân dân những địa bàn canh tác khó khăn, tiết kiệm nguồn nước tưới tiêu, trong vụ đông xuân 2015 – 2016, nông dân trong nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã chuyển trên 1.600 ha đất lúa sang trồng các loại rau màu như hành, hẹ, dưa leo, khổ qua…

Chuyển đổi cây trồng

Theo ngành nông nghiệp, trong số trên 1.600 ha đất lúa được chuyển đổi thì huyện Chợ Gạo có tới gần 1.170 ha, huyện Gò Công Tây trên 380 ha, diện tích còn lại ở thị xã Gò Công và huyện ven biển Gò Công Đông. Nếu so với các năm trước, diện tích màu trồng trên chân ruộng trong vụ đông xuân trong khu vực này đã tăng gần 400 ha mở ra triển vọng mới trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven biển Gò Công.

Người dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông chuyển đổi diện tích lúa sang trồng rau.

Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, ngay từ đầu vụ, Chi cục đã khuyến cáo nông dân trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công về tác hại khôn lường của hạn mặn và biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng tới sản xuất; đặc biệt đối với những vùng xa nguồn nước cần thiết phải chuyển đổi cây trồng hoặc những mô hình sản xuất tiết kiệm nước. Qua đó, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Công Tây cho biết, các loại màu nông dân trồng nhiều trong vụ đông xuân như dưa hấu, dưa lê, cà chua, ớt, khoai môn… theo cơ cấu mùa vụ, 2 vụ lúa, 1 vụ màu; 1 vụ lúa, 2 vụ màu hoặc chuyên canh màu. Để đạt hiệu quả, nông dân chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến, sử dụng giống mới và chất lượng cao, dùng màng phủ nông nghiệp để phòng chống sâu bệnh, canh tác theo ngưỡng an toàn…

 

Áp dụng công nghệ cao

 

Nông dân Nguyễn Văn Lắm, cư ngụ tại ấp Bình Khương I, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo có 0,5 ha (5.000 m2) cho biết, trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết, thủy văn đã chuyển hẳn từ trồng lúa sang chuyên canh màu. Theo ông Lắm, thông thường ông trồng 3 vụ màu trong năm, riêng vụ đông xuân 2015 – 2016 xuống giống ngô. Hiện nay, ngô (còn gọi là trà bắp) đang phát triển tốt, hứa hẹn bội thu.

Những hộ nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi như Trần Ngọc Châu, Phan Thị Thu Mai (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây), Nguyễn Ngọc Chánh (Yên Luông, Gò Công Tây)… đều thu lãi cao sau mỗi vụ thu hoạch.

Đặc biệt, để phát huy thế mạnh cây màu trong chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều địa phương như thị xã Gò Công, huyện ven biển Gò Công Đông đang nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất áp dụng công nghệ cao. Nổi bật có trồng dưa lưới trong nhà màng ở xã Tân Tây (Gò Công Đông), trồng rau an toàn theo tiêu chí VietGAP ở Tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Tân Đông (Gò Công Đông)… mà sản phẩm đều được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra với giá ổn định và lợi nhuận khá nên nông dân rất phấn khởi. Đây chính là tiền đề để tỉnh đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, lấy cây màu là đối tượng cây trồng quan trọng trong năm 2016 cũng như các năm tiếp theo. Từ đó, hình thành những vùng sản xuất màu chuyên canh tập trung, chất lượng tốt phục vụ nhu cầu thị trường.

Minh Trí- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu