Để thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, Việt Nam cần chuyển vụ lúa thứ ba thành các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao hơn, tăng khả năng lưu trữ nước của Đồng bằng sông Cửu Long, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thúc đẩy hợp tác sản xuất điện năng với các nước trong khu vực để cùng có lợi và phát triển kinh tế.
Chuyên gia Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, phát biểu như vậy tại cuộc hội thảo bàn tròn về Các ảnh hưởng và giải pháp đối với tình trạng biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ phối hợp cùng Văn phòng Khoa học-Công nghệ Việt Nam tại thủ đô Washington DC tổ chức ngày 16/5 (giờ Việt Nam).
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Quảng Bình, đại diện Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và một số doanh nghiệp về công nghệ và môi trường của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Nam Định.
Đại diện của phía Mỹ, ngoài các học giả nổi tiếng còn có 15 doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư vào lĩnh vực khoa học-công nghệ, môi trường ở Việt Nam.
Chuyên gia Brian Eyler, người đã dành nhiều năm nghiên cứu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng: “Việt Nam cần có chính sách trong nước và đối ngoại hợp lý để giải quyết các vấn đề của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vì đây là nơi sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam.”
Theo ông, Việt Nam cần đẩy mạnh việc mua điện giá rẻ từ Lào để giảm tải áp lực tăng nhu cầu điện ở trong nước, hiện ở mức khoảng 11%/năm; tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo theo hướng tối đa hóa năng lượng Mặt Trời, phong điện, rác điện và giảm thiểu (nhưng không loại trừ) thủy điện; thúc đẩy “sự phụ thuộc lẫn nhau về năng lượng trong vùng” như một hình thức an ninh năng lượng cho Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung…
Tại hội thảo, đại diện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp Việt Nam cũng dành nhiều thời gian giới thiệu về các thế mạnh của mình, đồng thời trao đổi với các doanh nghiệp Mỹ về các chính sách ưu đãi và cơ hội đầu tư, hợp tác trong tương lai, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như sản xuất sạch và năng lượng tái tạo.
Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ công nghệ cao Hòa Lạc, ông Trần Bá Hậu, cho biết hội thảo tập trung vào 2 lĩnh vực chính là năng lượng tái tạo và xử lý rác thải để giải quyết các vấn đề môi trường của Đồng bằng sông Cửu Long. Ông đánh giá hội thảo là cơ hội tốt để Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp Mỹ để tìm cơ hội hợp tác, đầu tư.
Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ, ông David Huy Hồ, cho biết sẽ tiếp tục các hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ nhằm tìm kiếm các cơ hội phát triển cho Việt Nam./.
Ý kiến ()