Sau ba ngày khảo sát thực tế đánh bắt ở vùng biển Việt Nam và hướng dẫn kỹ thuật câu cá ngừ đại dương bằng thiết bị của Nhật, bốn chuyên gia Nhật Bản cùng các ngư dân Bình Định đã cập cảng cá Quy Nhơn sáng ngày 9/10.
Chuyến thực tế đã kết thúc tốt đẹp với một con cá ngừ thành phẩm đạt tiêu chuẩn, nặng 30kg.
Đoàn chuyên gia người Nhật gồm có ông Keigo Ebata, giảng viên Đại học Kagoshima (Nhật Bản) và ba kỹ thuật viên Tesuo Kiya, Shuji Nakao, Keiji Kamei đã ra khơi cùng ba tàu cá BĐ 96776 TS, BĐ 96034 TS, BĐ 97224 từ sáng 6/10.
Ba tàu cá trên là những tàu cá tham gia đề án khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi của tỉnh Bình Định. Mỗi tàu cá ra khơi trong chuyến đánh bắt này được trang bị một bộ thiết bị câu mới của Nhật Bản; trong đó có máy thu câu, đèn câu mới, bộ shoker gây tê mới.
Chuyến đánh bắt ngắn ngày để tập huấn nên chỉ khai thác tại vùng biển cách thành phố Quy Nhơn khoảng 60 hải lý. Đi cùng đoàn là sáu cán bộ kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định.
Anh Bùi Văn Xếp, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, ngư dân trên tàu BĐ 96034 TS cho biết, người Nhật rất thân thiện và nhiệt tình hướng dẫn cho ngư dân. Nếu cứ làm theo đúng phương pháp này thì việc đánh bắt sẽ rất dễ dàng, nguồn lợi sẽ tăng cao hơn trước đây, thu nhập của ngư dân sẽ ổn định hơn.
Chuyên gia Nhật Bản Keigo Ebata, giảng viên Đại học Kagoshima cho biết: “Ngư dân Việt Nam cũng có những phương pháp đánh bắt tương tự với ngư dân Nhật Bản, phần lớn có tay nghề rất cao. Lần này, chúng tôi đi chủ yếu để hướng dẫn, ứng dụng các máy móc, phương tiện kỹ thuật công nghệ hiện đại để tăng năng suất cho ngư dân. Các ngư dân Việt Nam đã rất chú ý tiếp thu, chăm chỉ làm việc và chuyến đi đã đạt kết quả cao.”
Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, tỉnh đang tiếp tục củng cố và phát triển Đề án khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, với 25 tàu cá của ngư dân tham gia. Ba tàu cá đi thực tế lần này là những tàu đầu tiên được lắp đặt bộ câu mới theo kỹ thuật Nhật Bản.
Chuyến thực tế, tập huấn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” do chính các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn lần này là cơ hội rất tốt để ngư dân và các cán bộ kỹ thuật tỉnh Bình Định học tập, rút kinh nghiệm, truyền đạt lại cho ngư dân 22 tàu còn lại để đầu năm 2016 đồng loạt ra khơi./.
Ý kiến ()