Thứ Bảy, 30/11/2024 04:54 (GMT +7)

Chuyên gia WB: Việt Nam là quốc gia có sức vươn tốt trong khó khăn

Thứ 6, 28/08/2020 | 08:48:00 [GMT +7] A  A

“Mọi cuộc khủng hoảng đều mang lại những cơ hội nhất định và tôi nghĩ Việt Nam là quốc gia có sức vươn tốt trong khó khăn”. Đó là lời khẳng định từ Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Jacques Morisset, trong buổi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về những xu hướng kinh tế sẽ phát triển trong giai đoạn hậu COVID-19.

Sản xuất sản phẩm may mặc tại công ty Cổ phần may Tiên Hưng, huyện Kim Động, Hưng Yên.

Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

Trong một báo cáo được công bố gần đây, WB đánh giá Việt Nam thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi thành công nhất, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan. Vậy dựa vào yếu tố nào để WB đưa ra những nhận định nói trên?

Theo tôi, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 10 năm qua là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này. Một mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn thuộc tốp đầu thế giới, đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Mặt khác, đà tăng trưởng này cũng giúp nền kinh tế sản sinh ra nhiều sản phẩm và việc làm hơn. Với những yếu tố đó, chúng tôi nhận định Việt Nam là một trong số những nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Khi nghiên cứu về những lĩnh vực phát triển nổi trội, tôi cho rằng có hai lĩnh vực Việt Nam đã làm rất tốt. Đầu tiên là ngành nông nghiệp. Trong giai đoạn các năm 1990-2000, Việt Nam đã chứng kiến một cuộc cách mạng của ngành nông nghiệp, khi tốc độ tăng trưởng năng suất của ngành này gia tăng đáng kể theo cấp số nhân.

Đây là điều rất quan trọng bởi phần lớn người lao động Việt Nam sống nhờ vào nghề nông. Do đó, việc lĩnh vực nông sản và năng suất ngành nông nghiệp được cải thiện sẽ tạo ra tác động tích cực đối với nền kinh tế, đồng thời đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia.

Thứ hai, sự mở cửa đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong thành tựu kinh tế Việt Nam. Kể từ những năm 2000, có rất nhiều doanh nghiệp mới đã đến Việt Nam và tạo ra hàng triệu việc làm, trong đó có những công việc mới, được thực hiện hiệu quả và được trả lương cao hơn.

Đại dịch COVID-19 đã phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đây cũng có thể là cơ hội tốt để thúc đẩy quá trình “hội tụ kinh tế”, nơi khoảng cách về thu nhập giữa các nước giàu nghèo được thu hẹp đáng kể. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy quá trình này?

Mọi cuộc khủng hoảng đều mang lại những cơ hội nhất định và tôi nghĩ Việt Nam là quốc gia có sức vươn tốt trong khó khăn.

Thông qua việc thực hiện cải cách kịp thời để hướng đến mục tiêu tăng trưởng tốt hơn, tôi tin rằng đại dịch COVID-19 sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho Việt Nam.

Bằng chứng là có rất nhiều tổ chức và công ty đa quốc gia nhận định Việt Nam sẽ có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, khi đại dịch buộc nhiều doanh nghiệp phải tìm hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất.

Đầu tiên, để thúc đẩy quá trình “hội tụ kinh tế”, Việt Nam cần thực hiện những cải cách liên quan đến phát triển lĩnh vực số hóa. Trước đây, phát triển số hóa ở Việt Nam chưa thật sự nổi bật, các hình thức thanh toán qua điện thoại chưa phổ biến, trong khi phần lớn thủ tục giấy tờ đều được thực hiện thủ công. Tuy nhiên, những thay đổi sắp tới nhằm đối phó với đại dịch sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình cải cách nền kinh tế sang một nền tảng sử dụng kỹ thuật số nhiều hơn.

Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều cuộc cải cách về số hóa, trong đó có đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử. Ngoài ra, về số hóa hệ thống tài chính, chính phủ cũng đang hướng đến việc xây dựng một hệ thống thanh toán điện tử. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể hy vọng trong một vài tháng tới, phần lớn người Việt Nam sẽ có thể sử dụng điện thoại để thanh toán. Đây sẽ là một thay đổi cực kỳ lớn so với những gì diễn ra trước thời điểm đại dịch.

Điều thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ rõ tầm quan trọng của việc công khai và chia sẻ thông tin. Trong đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã và đang chia sẻ rất nhiều thông tin chi tiết về diễn biến dịch bệnh một cách rất minh bạch và hiệu quả, thông qua nhiều phương tiện truyền thông để truy vết các ca lây nhiễm.

Gần đây nhất, Cổng Công khai Ngân sách Nhà nước của Việt Nam cũng đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/8, cho phép người dân và doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cập nhật và đầy đủ về thu chi ngân sách của các cơ quan từ cấp trung ương đến địa phương. Sự ra mắt của cổng thông tin này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ Tài chính Việt Nam và Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình về quản lý cũng như sử dụng nguồn lực công.

Có thể nói, những thay đổi này được kỳ vọng sẽ làm “thay đổi cuộc chơi” và tôi tin rằng những cải cách sẽ còn tăng tốc hơn nữa trong thời gian tới.

COVID-19 mang đến cơ hội để Việt Nam trở thành nơi tiếp nhận dòng vốn đầu tư khi các nền kinh tế lớn tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng của mình. Ông nghĩ gì về nhận định này và Chính phủ Việt Nam nên làm gì để tận dụng cơ hội này?

Đúng vậy, tôi tin rằng đây là một cơ hội lớn và Việt Nam đã nằm trong “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư. Lý giải về nguyên nhân nhận định này được đưa ra, theo tôi lợi thế đầu tiên là những thành công bước đầu trong việc xử lý đại dịch COVID-19 của Chính phủ, với số người mắc và tử vong ở mức tương đối thấp. Việt Nam nằm trong số rất ít quốc gia trên thế giới nhận được đánh giá này.

Ngoài ra, những hiệu ứng của việc khởi động lại nền kinh tế trong giai đoạn tháng 5-7/2020 là rất lớn. Giữa bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, các quốc gia, nhà xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Mexico… vẫn phải đóng cửa một phần hoặc giãn cách thì tại Việt Nam, trừ thành phố Đà Nẵng, đang tập trung dập dịch, các thành phố lớn khác vẫn hoạt động tương đối bình thường. Đây là yếu tố chứng minh cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn để đầu tư.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, Việt Nam cần giải quyết hai thách thức. Đầu tiên, để có thể rót vốn vào Việt Nam, các nhà đầu tư cần được đặt chân đến nước này. Đây là điều khá khó khăn vào thời điểm hiện nay. Tất nhiên, nước nào cũng muốn kiểm soát đại dịch để bảo vệ người dân. Tuy nhiên, Việt Nam cần tìm thế cân bằng giữa việc mở và đóng cửa biên giới.

Thứ hai, bên cạnh việc thu hút đầu tư, điều quan trọng hơn là nền kinh tế sẽ thu được lợi ích gì từ những khoản đầu tư đó. Chất thì quan trọng hơn lượng. Chúng ta cần xác định xem làm thế nào để thu hút những nhà đầu tư giỏi, những khoản đầu tư có sinh lời cho nền kinh tế. Sinh lời ở đây, theo tôi, là tạo ra việc làm, cung cấp nền tảng công nghệ, đào tạo công nhân Việt Nam và tạo quan hệ với các nhà cung cấp lớn… Đây cũng sẽ là yếu tố tạo ra sự khác biệt.

Để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như giai đoạn trước COVID-19, WB có những khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới để hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa kích thích phát triển kinh tế bền vững? Theo nhận định của WB, những nhóm ngành kinh tế nào sẽ phát triển mạnh mẽ sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát trên toàn cầu?

Như tôi đã nói, Việt Nam đã quản lý rất tốt đại dịch và tất nhiên Việt Nam luôn có thể làm tốt hơn. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức lớn chưa từng có trong vòng một thập kỷ, các chính phủ đang vừa hành động vừa thích ứng.

Vào thời điểm tháng 4/2020, khi chính phủ quyết định đóng cửa nền kinh tế để đối phó với đại dịch, những tác động kinh tế là khá lớn. Hoạt động kinh tế sụt giảm, thu nhập đi xuống, người lao động mất việc làm và theo ước tính của chính phủ, có đến 30 triệu người đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch trong giai đoạn này.

Điều này cho thấy hậu quả của việc đóng cửa nền kinh tế là “rất đau đớn”. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tìm điểm cân bằng giữa việc cho phép người dân di chuyển tự do để thúc đẩy hoạt động kinh tế, bên cạnh mục tiêu hạn chế di chuyển quá nhiều để kiểm soát dịch bệnh.

Một điểm nữa, theo tôi, chính phủ có thể làm đó là tăng cường số lượng và chất lượng đầu tư công. Bên cạnh việc tăng cường số lượng, các khoản chi tiêu cũng cần hợp lý hơn thông qua việc lựa chọn những dự án phù hợp.

Cuối cùng là cung cấp hỗ trợ nhiều hơn cho những người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tôi thấy rằng có một số lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch, trong đó có ngành du lịch. Ngoài ra, một số hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, giày dép, hàng may mặc cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Về những nhóm ngành được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh sau khi đại dịch qua đi, tôi cho rằng xu hướng kinh tế không tiếp xúc và thương mại điện tử đang tăng lên. Trong khi đó, để đặt mua một món hàng trên mạng, bạn cần truy cập Internet. Khi trẻ em không thể đến trường, phụ huynh có thể chọn phương án học từ xa và từ đó, nhu cầu mua thiết bị điện tử cũng sẽ tăng lên. Điều tương tự cũng áp dụng với ngành dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Cùng với đó, xu hướng làm việc tại nhà ở Việt Nam dù có thể không nở rộ mạnh mẽ như ở các nước phát triển, nhưng sau khi đại dịch qua đi, các công ty và người lao động cũng sẽ nhận ra rằng họ có thể làm việc tại nhà để tiết kiệm thời gian và chi phí. Do đó, chúng tôi tin rằng xu hướng số hóa nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng tốc tại Việt Nam trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Nga/TTXVN (Thực hiện)
https://baotintuc.vn/kinh-te/chuyen-gia-wb-viet-nam-la-quoc-gia-co-suc-vuon-tot-trong-kho-khan-20200828071142779.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu