Thứ Tư, 27/11/2024 09:45 (GMT +7)

Cô giáo mầm non luôn nhiệt huyết với nghề vì tình yêu trẻ

Thứ 6, 18/11/2022 | 11:44:39 [GMT +7] A  A

Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và gắn bó với nghề trong gần 15 năm qua, cô Phạm Thị Diệp - giáo viên Trường Mẫu giáo Nhơn Thạnh Trung (xã Nhơn Thạnh Trung, Tp. Tân An) luôn được các đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh quý mến.

Cô Phạm Thị Diệp cùng học trò trong giờ lên lớp

Vất vả không làm giảm bớt tình yêu thương đối với gia đình cũng như với nghề, với các học sinh thân yêu. Có lẽ, nhờ tình yêu thương, đối xử công bằng với học sinh, quan tâm, tận tình chăm sóc các con như tấm lòng của một người mẹ, cô vẫn được các bé và phụ huynh học sinh yêu quý gọi với cái tên quen thuộc đó là “mẹ Diệp”. Chỉ với tiếng gọi đầy giản dị đó cũng khiến cô Diệp cảm thấy vô cùng trân quý tình cảm của học sinh và phụ huynh các em.

Cô cho rằng, trong những năm gắn bó với nghề, bản thân mình luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một giáo viên mầm non về đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng cần có ở một giáo viên mầm non đó là tình yêu thương, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì... Bởi  lứa tuổi mầm non, nhà trẻ, các bé còn nhỏ nên việc chăm sóc hết sức vất vả, đặc biệt là những cháu đi chưa vững, nói chưa được và còn quấy khóc nhiều. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ, cô luôn giữ hình ảnh một người giáo viên với lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng, giàu lòng nhân ái. Ứng xử với đồng nghiệp, phụ huynh đặc biệt là với trẻ luôn chuẩn mực và là tấm gương sáng cho học sinh và đồng nghiệp noi theo.

Trong suốt quá trình tham gia giảng dạy, nhiều lớp học trò nối tiếp nhau được cô chắp cánh những ước mơ, đặt cho viên gạch đầu tiên trong cuộc đời, có rất nhiều kỷ niệm đọng lại trong lòng cô giáo Diệp. Nhưng có lẽ, ký ức mà cô giáo Diệp luôn đau đáu, không tài nào quên được. Đó là có bé bị khiếm thị, khả năng nhìn chỉ còn 20%. Để dạy trẻ học, cô đã tìm hiểu các phương pháp dạy trẻ khiếm thị là giúp trẻ tiếp nhận thông tin qua các giác quan còn lại vì theo quy luật bù trừ, khả năng thị giác của trẻ không tốt, nên sự tập trung sẽ chuyển sang các giác quan còn lại. Cô luôn kiên trì, nhẫn nại, đồng hành với trẻ, để trẻ giảm bớt sự tự ti, mặc cảm và bắt nhịp cùng các bạn.

Cô Phạm Thị Diệp chia sẻ thêm:" Tôi nghĩ rằng, Trẻ khiếm thị vẫn phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Nếu nhận được sự giúp đỡ chân thành và đúng cách từ gia đình, trường học, trẻ vẫn đủ khả năng để hoà nhập cuộc sống như bao bạn bè khác. Trẻ vẫn có thể tự tin phát triển bản thân, làm những việc có ích cho xã hội".

Giáo viên Phạm Thị Diệp: "Ngoài kiến thức chuyên môn, người giáo viên cần phải yêu thương, xem học trò là đứa con của mình"

Gắn bó hằng ngày với các bạn nhỏ trong suốt gần 15 năm, với cô Diệp, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Chính nơi đây đã thắp lên trong cô ngọn lửa, ước mơ cháy bỏng không ngừng và lý tưởng sống cống hiến cho nghề, cho đời, ươm những mầm mơ ước cho bao thế hệ. Nơi đây cô không chỉ có các đồng nghiệp mà còn có những người như  mẹ, như anh chị em, bạn bè luôn bên cô; giúp đỡ, dìu dắt để cô ngày càng trưởng thành, tốt đẹp hơn.. Nơi đây cô đã nhận được tình yêu thương chân thành, sự ngưỡng mộ, niềm tin của các phụ huynh, đồng nghiệp, bạn bè, người thân, các học trò nhỏ qua từng ánh mắt.

Để đạt hiệu quả cao trong việc nuôi dạy trẻ thì giáo viên cũng phải biết chia sẻ, lắng nghe và quan tâm đến trẻ mỗi ngày bằng cách giao tiếp về cuộc sống của trẻ, xây dựng ý thức thân thiện với trẻ, với phụ huynh và đồng nghiệp; chú ý thay đổi phương pháp dạy đổi mới hấp dẫn với trẻ sẽ cuốn hút trẻ tương tác và phát huy trí tuệ. Công việc đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, yêu trẻ, có tâm với nghề. Bởi trẻ con là tờ giấy trắng, tinh khôi, giáo viên mầm non cùng gia đình và xã hội chính là những người sẽ viết lên đó những điều tốt đẹp nhất để trẻ có một nhận thức đúng đắn về tương lai sau này.

Theo cô Võ Thị Cúc Thanh - Hiệu trưởng nhà trường, trải qua nhiều năm công tác, cô Phạm Thị Diệp rất hiểu tâm lý từng lứa tuổi, nhất là với lứa tuổi nhà trẻ là lứa tuổi non nớt nhất. Luôn cố gắng, nhẹ nhàng và dày dặn kinh nghiệm nên được Ban giám hiệu tin tưởng cũng như đồng nghiệp yêu mến, kính trọng. Ngoài công tác dạy học, cô Diệp còn  tích cực tham gia các hoạt động của các đoàn thể. Nhiều năm liên cô đạt được thành tích xuất sắc trong công tác dạy học, được các cấp khen thưởng.

Trải qua chặng đường dài với gần 15 năm trong nghề dạy học, cho dù xã hội có những biến đổi lớn nhưng bản thân cô giáo Phạm Thị Diệp chưa bao giờ mất đi niềm đam mê của một người “Thầy”, vẫn còn đó sự nguyên vẹn của hoài bão ngày ấy “Ước mơ làm cô giáo”, xứng đáng là một bông hoa đẹp trong vườn hoa “Phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà” của thành phố Tân An./.

Phương Đài – Ngọc Nhanh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu