Chủ Nhật, 24/11/2024 13:48 (GMT +7)

Cơ giới hóa trong thu hoạch giúp xử lý triệt để nguồn rơm rạ

Thứ 3, 27/06/2017 | 09:51:00 [GMT +7] A  A

Trong 2 đến 3 năm gần đây, tình trạng áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa và làm đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được nhân rộng, phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Điều này đã giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tăng năng suất và giải phóng sức lao động. Đặc biệt, nhờ đưa cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa và làm đất đã xử lý triệt để nguồn rơm rạ, nạn đốt đồng trước đây gây ô nhiễm môi trường từng khiến rất nhiều người than phiền nay đã không còn xảy ra.

Nếu như cách đây trên dưới 10 năm về trước, người dân Vĩnh Phúc cũng như nhiều tỉnh khác thu hoạch lúa và làm đất gieo trồng phần lớn bằng thủ công (gặt tay và làm đất bằng cày trâu, hò). Cách làm này mất rất nhiều công sức, nặng nhọc.

Cơ giới hóa trong thu hoạch giúp xử lý triệt để nguồn rơm rạ. Ảnh:Hồ Cầu/TTXVN

Với mỗi mùa thu hoạch lúa, để đưa được hạt thóc về thì cùng với đó là lượng rơm rạ rất lớn được đưa lên bờ kênh, bờ mương, các con đường giao thông nội đồng để tuốt lúa (tách hạt) khá vất vả. Một số nơi không có mặt bằng phải đưa toàn bộ lúa thu hoạch về nhà còn vất mất nhiều công sức hơn. Hầu hết số rơm rạ sau thu hoạch này khi khô được đốt bỏ tại kênh, mương, các con đường giao thông nội đồng, gây lên tình trạng ô nhiễm môi trường, nạn khói bụi triền miên, khiến nhiều người dân bức xúc.

Đến nay, các khâu thu hoạch lúa và làm đất trên địa bàn tỉnh đã được áp dụng cơ giới hóa trên diện rộng. Lượng rơm rạ khi thu hoạch lúa sẽ thải ra tại đồng ruộng và ngay sau khi hoàn thành việc thu hoạch lúa thì việc làm đất cũng được khẩn trương thực hiện. Tất cả gốc lúa, thân cây, bông lá lúa vả cả các loại trấu, mùn từ thân cây lúa thải ra được các máy cày máy bừa nhấn chìm, vùi lấp xuống mặt ruộng, bổ sung chất hữu cơ cho đất, giúp ích cho các loại cây trồng mùa vụ sau. Riêng vụ Đông Xuân năm nay, Vĩnh Phúc gieo cấy trên 31.300 ha lúa và đến nay đã thu hoạch xong. Các công đoạn gặt và làm đất được người dân thực hiện bằng máy móc nên rơm rạ được xử lý khá triệt để.

Theo tính toán của các nhà khoa học cứ 1 ha lúa sẽ thải ra từ 5 – 7 tấn rơm rạ. Trong 1 tấn rơm chứa 5-8 kg đạm, 1,2 kg lân, 20 kg kali, 40kg silic và 400 kg carbon. Nếu đốt bỏ rơm rạ toàn bộ lượng đạm có trong rơm rạ bị mất hết, 25% lân và 20% kali bị mất đi, chất silic còn lại nhưng do bị đun nóng nên cây lúa không sử dụng được. Do vậy, khi đốt rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa. Điều đáng quan tâm là đốt rơm rạ ảnh hưởng lớn đến môi trường …

Theo các nhà chuyên môn, để cho rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh ngấu hơn, không gây ngộ độc hữu cơ cho cây vụ sau (cây lúa mùa) thì việc làm đất phải kỹ, thực hiện sớm ngay sau khi gặt là tốt nhất để thân cây lúa nhanh phân hủy. Trường hợp thời gian triển khai gieo cấy vụ sau còn ít, thì khi làm đất lần đầu nên sử dụng 15 – 20 kg vôi bột/sào hoặc sử dụng phân vi sinh hay các chế phẩm xử lý rơm rạ như Sumitri, Fito-Biomix, Tricodecma….

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu