Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 14:39 (GMT +7)
Cơ hội tăng cạnh tranh vào thị trường EU
Thứ 3, 16/07/2019 | 09:04:00 [GMT +7] A A
Theo Bộ Công Thương, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp, ngành hàng.
Đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường; trong đó có ngành dệt may và da giày.
Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH Far Eastern New Apparel Việt Nam – KCN Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Tiếp tục đà tăng trưởng thuận lợi, ngành dệt may và da giày đã ghi nhận thêm nhiều kết quả tích cực. Trong số các nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao trong 6 tháng đầu năm, hàng dệt may đạt trên 15 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái; giày dép các loại đạt 8,8 tỷ USD, tăng 14,2%.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngay từ thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho hết tháng 9 và thậm chí cả năm. Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư đổ vào ngành dệt may trong thời gian gần đây giúp dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may trong nước, từ đó tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Đặc biệt, EVFTA được ký kết đã mở ra con đường rộng mở cho các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Một số mặt hàng được cho là hưởng lợi từ Hiệp định này là dệt may, da giày.
Theo bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Minh Trí, từ năm 2018 trở về trước, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Minh Trí vào thị trường EU chỉ đạt 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. EU là thị trường tiềm năng, khó tính, đòi hỏi các mặt hàng chất lượng cao. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp dệt may có cơ hội bước chân vào thị trường rộng lớn đó và có thể xuất khẩu hàng hoá với giá cao, đồng thời có cơ hội nâng cao tay nghề và đầu tư công nghệ mới cho sản xuất.
Do EU là thị trường khó tính nên những năm trước đây, công ty chỉ có các đơn hàng nhỏ, lẻ. Đầu năm 2019, đón đầu EVFTA, công ty đã đầu tư mở rộng xuất khẩu vào thị trường EU. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Minh Trí vào EU đã tăng 18% so với cùng kỳ và hy vọng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp vào EU sẽ nâng lên 25%.
Minh Trí đang rất kỳ vọng vào thị trường EU vì đây là thị trường có giá trị cao và tỷ trọng xuất khẩu trong các năm tới có thể được nâng lên.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể hưởng được mức ưu đãi thuế quan của EVFTA.
Quy định về xuất xứ sản phẩm là một trong những điều kiện mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi xuất khẩu hàng hóa vào EU. Bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN.
Hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ cam kết trong EVFTA, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ không được hưởng mức thuế suất ưu đãi trong Hiệp định.
Đối với ngành dệt may, da giày, EVFTA được đánh giá sẽ có tác động tích cực đối với hai ngành hàng này của Việt Nam theo lộ trình cam kết trong Hiệp định. Nhưng sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của EU, đặc biệt là yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Để góp phần giải quyết khó khăn này, theo ông Tạ Hoàng Linh, các doanh nghiệp dệt may cần ưu tiên đầu tư cả về chi phí, nhân lực nhằm tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất phát triển trong ngắn hạn và dài hạn. Cùng đó, các doanh nghiệp nâng cao sự chủ động về nguyên phụ liệu, đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ của EU, qua đó mở rộng thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại EU.
Bà Phạm Thị Thu Hương cho biết thêm, ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu của Trung Quốc nên để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu khi các FTA có hiệu lực thì bắt buộc ngành dệt may phải có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng trong nước để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Ngoài hỗ trợ về tạo ra vùng nguyên liệu và chuỗi cung ứng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan để tiết kiệm chi phí tài chính và thời gian cho doanh nghiệp.
Với ngành da giày, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, nắm chắc các quy định, yêu cầu pháp lý của EU để trước tiên là tuân thủ đúng quy định của EU và có đủ năng lực, cơ sở pháp lý để bảo vệ doanh nghiệp tránh bị EU áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ý kiến ()