Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 03:36 (GMT +7)
Cơ hội việc làm nhiều sao vẫn còn 200.000 sinh viên thất nghiệp?
Thứ 4, 15/02/2017 | 09:24:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Tháng 2 là thời điểm thị trường lao động, việc làm sôi động nhất trong năm, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản khiến cung và cầu chưa gặp nhau.
Theo đánh giá, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thường tập trung tuyển dụng rầm rộ, nhất là vào tháng 2 và 3, khiến thời điểm này trở nên sôi động nhất trong năm của thị trường lao động. Đây là “thời điểm vàng” cho người lao động tìm việc.
Thị trường việc làm sôi động trong tháng 2
Theo tâm lý của người tìm việc, sau Tết là thời gian họ thay đổi công việc nhiều, do đã hoàn thành trách nhiệm với công ty cũ và đã nhận những khoản đãi ngộ tương xứng của năm. Do đó trong thời gian này, thị trường lao động sẽ đón nhận số lượng ứng viên tìm việc đông nhất từ những nhân viên đang muốn nhảy việc, cũng như sinh viên mới ra trường. Năm nay, “thời điểm vàng” rơi vào tháng 2.
Theo chuyên gia của VietnamWorks, trong năm 2016, nhu cầu tuyển dụng lao động đã tăng 25%, trong khi nguồn cung cũng tăng 30%, mức tăng trưởng ổn định liên tiếp trong 3 năm gần đây.
Ông Gaku Echizenya, CEO của VietnamWorks đánh giá, năm 2016 nhìn chung tốt với nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP mạnh, cùng với sự mở rộng của ngành công nghiệp và dịch vụ đã giúp cho nhiều công ty thành lập và hoạt động. Đây là điều kiện tuyệt vời tạo nên một thị trường tuyển dụng năng động. Thị trường tuyển dụng năm qua cũng rất sôi động với nhiều hoạt động thu hút nhân tài từ các công ty.
Đặc biệt, năm qua ghi nhận hoạt động tuyển dụng tích cực từ phía các công ty vừa và nhỏ, cũng như các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin (IT). Chỉ trong vòng 5 tháng, hơn 100 công ty IT hàng đầu Việt Nam đã đem đến 1.200 công việc IT mới mỗi tháng cho người tìm việc.
Đánh giá của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán tiếp tục tăng cao, chủ yếu thuộc các lĩnh vực thương mại – dịch vụ, sản xuất, nhà hàng – khách sạn, viễn thông… Đây là “thời điểm vàng” để các ứng viên tìm kiếm việc làm ưng ý, phù hợp; cũng như người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động.
Cơ hội nhiều, sao sinh viên vẫn thất nghiệp?
Đầu năm 2017, vấn đề hơn 200.000 cử nhân không tìm được việc làm luôn là dấu hỏi đối với các nhà quản lý lao động việc làm, các trường học, trung tâm dịch vụ việc làm… Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho rằng ở đây có yếu tố cung – cầu chưa gặp nhau: Một bên yêu cầu quá cao với ứng viên như kinh nghiệm, ngoại ngữ… Trong khi sinh viên mới ra trường vẫn chưa có sự trải nghiệm, thậm chí “sợ” dấn thân vào những ngành nghề có yêu cầu cao.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu tư vấn: Các bạn trẻ thất nghiệp cố gắng trang bị cho mình chuyên môn phù hợp với năng lực và phải hết sức cố gắng trong công việc. Đối với những bạn muốn đi học nghề hay học đại học, trước tiên hãy tham khảo nhu cầu xã hội. Bởi nếu học theo cảm tính, không nghiên cứu thị trường, ra trường rất khó tìm được việc làm.
Trong số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp, có rất nhiều người ra trường mấy năm chưa tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Do đó, sinh viên nên nhận thức rộng hơn, không phải cứ ra trường là làm được việc ngay, đặc biệt là đúng ngành nghề. Các bạn nên chấp nhận làm việc trái ngành để có kinh nghiệm, va chạm và cập nhật thêm kiến thức còn thiếu để tìm công việc phù hợp hơn.
Kinh nghiệm để có ngay công việc mới sau Tết
Chuyên gia của VietnamWorks thừa nhận, khoảng thời gian được nhiều người lựa chọn để tạo bước chuyển mình trong sự nghiệp chính là ngay khi vừa hết Tết. Đầu năm là thời gian tốt để “nhảy việc”, do đó người lao động, nhất là các bạn trẻ, cần ráo riết chuẩn bị cho mình chiến lược tìm kiếm công việc trong mơ. Nếu không, trạng thái “tìm kiếm cơ hội mới” sẽ chuyển thành “thất nghiệp” lúc nào không hay.
Làm gì để có ngay việc làm mới? Đầu tiên, cần xác định rõ: Mục tiêu và kỳ vọng về sự nghiệp trong năm mới của bạn là gì? Những loại công việc, công ty, vị trí nào bạn đang nhắm tới? Hay bạn đang muốn chuyển sang ngành nghề khác? Xác định rõ những điều trên để dành thời gian tìm kiếm tuyển dụng, ứng tuyển, phỏng vấn thật hiệu quả.
Khi đã khoanh vùng được mục tiêu, điều tiếp theo, bạn hãy tìm kiếm công việc với những từ khóa liên quan. Cách nhanh nhất là nên vào các trang tuyển dụng hoặc các tới Trung tâm giới thiệu việc làm uy tín để tìm kiếm, chọn lọc các địa chỉ, mức lương, công việc mình mong muốn. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết nối với những cộng đồng nghề nghiệp, nhân sự trên mạng xã hội, kênh kết nối các chuyên gia trong ngành.
Bên cạnh đó, việc làm nổi bật những thành tích, cống hiến, kinh nghiệm bạn có được trong suốt thời gian qua là thông tin đắt giá để đề cập trong hồ sớ mới. Hiện có nhiều xu hướng làm CV mới như CV infographic, CV video… để trở nên nổi bật giữa hàng chục ứng viên khác.
Cũng theo chuyên gia tuyển dụng, không nên vì đi phỏng vấn quá nhiều mà bạn trở nên chủ quan, xem nhẹ chuyện này. Có những người chỉ thực sự tập trung vào một vài công ty họ nghĩ là quan trọng, còn những chỗ khác thì chỉ “đi cho có”. Thực tế cho thấy, nhiều người thất bại ở những nơi mà họ rất tự tin, nhưng lại may mắn được công ty mà họ không dành nhiều tâm huyết trước đó đề nghị mức lương, đãi ngộ hấp dẫn./.
Lại Thìn/VOV.VN
Ý kiến ()