Hàng năm, Australia sẽ cấp tối đa 200 thị thực cho công dân Việt Nam lưu trú để du lịch nhưng được tìm việc làm hợp pháp với mức lương cao tại Australia trong thời gian tối đa 12 tháng.
Đây là một trong những nội dung của Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia về Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt .
Để được tham gia vào chương trình này, công dân Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện về sức khỏe, khả năng tài chính, trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, nhân thân và được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giới thiệu. Dự kiến chương trình sẽ được triển khai từ ngày 1/7
Theo quy định của chính phủ Astralia, công dân Việt Nam cũng như công dân các quốc gia khác đã ký thỏa thuận hợp tác với Australia trong chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể: Có nguyện vọng làm việc kết hợp kỳ nghỉ ở Australia trong thời hạn một năm, trong độ tuổi từ 18 đến 30, có hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực, không có con cái ở cùng trong thời gian làm việc kết hợp kỳ nghỉ tại Australia.
Đặc biệt, người lao động phải có năng lực tài chính đủ để trang trải cho các chi phí của bản thân trong thời gian làm việc kết hợp kỳ nghỉ tại Australia (khoảng 5.000 AUD, tương đương 85 triệu đồng)
Theo bản thỏa thuận, người mang thị thực chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ được phép sử dụng thị thực này để xuất cảnh và nhập cảnh nhiều lần trong thời gian lưu trú 12 tháng. Tuy nhiên, người mang thị thực này phải chấp hành pháp luật, quy định của bên tiếp nhận và không được làm những công việc trái với mục đích nhập cảnh, không được làm việc toàn bộ 12 tháng trong kỳ nghỉ.
Mục đích chủ yếu của việc lưu trú theo loại thị thực này là đi nghỉ nhưng tìm được việc làm, không được làm việc cho một chủ sử dụng lao động quá sáu tháng và không được tham gia khóa học tập hoặc đào tạo có thời hạn quá bốn tháng.
Công dân Việt Nam tham gia chương trình này có thể học tập từ phía Australia kinh nghiệm làm việc, cách thức sản xuất kinh doanh, quản trị nhân lực…
Ngoài Việt Nam, Australia đã có các thỏa thuận tương tự với Israel, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ba Lan, Argentina, Bangladesh, Chile, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Uruguay./.
Ý kiến ()