“Nâng cao khả năng cạnh tranh về chi phí và đảm bảo sự cung cấp ổn định của các nhà cung cấp linh kiện, việc tìm kiếm đối tác địa phương vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể thiết lập mối quan hệ lâu dài với các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam để giảm chi phí và tiết kiệm thời gian”.
Đây là nhận định của ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội từ Hội thảo về ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam 2017 diễn ra chiều 15/6 ở Hà Nội.
Khó khăn ‘kép’ vì thiếu sản phẩm phụ trợ
Củng cố thêm nhận định trên, ông Hironobu Kitagawa cho rằng, phía Nhật Bản vẫn nhận thấy rõ sự tiến bộ trong năng lực cung cấp các sản phẩm phụ trợ từ các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam hoàn toàn không có sự hạn chế về cơ hội.
“Điều đáng tiếc là tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu tại Việt Nam còn thấp khiến cho chi phí sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khá lớn. Hạn chế này tạo ra trở ngại không nhỏ đối với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản khi muốn hợp tác trung và dài hạn với các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hironobu Kitagawa chỉ rõ.
Đại diện Jetro cũng nhận thấy, quá trình chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp Nhật Bản sang doanh nghiệp Việt Nam hiện đang là một thách thức lớn, bởi nếu chỉ là chuyển giao công nghệ bình thường sẽ không tạo ra quan hệ thương mại dài hạn và chưa góp phần làm giảm chi phí sản xuất.
Do đó, quan trọng nhất trong quá trình hợp tác vẫn là tạo ra được chuỗi giá trị mới cho doanh nghiệp hai bên, thông qua quá trình chuyển giao công nghệ.
Theo khảo sát của Jetro, có khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam vẫn có kế hoạch muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này cho thấy doanh nghiệp nước ngoài nhìn thấy cơ hội khi đầu tư vào Việt Nam còn dư địa lớn.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn nhất mà doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam gặp phải là tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Khi tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chỉ đạt 34%, trong khi Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57% nên doanh nghiệp Nhật Bản vẫn buộc phải nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc…
“Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam. Đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam”, ông Kitagawa nói.
Công nghiệp phụ trợ sẽ bứt phá?
Phản hồi về năng lực của công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, TS. Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) thông tin, chưa có lúc nào Chính phủ thực sự nhận ra vai trò của công nghiệp phụ trợ như hiện nay.
Ý kiến ()