Thứ Sáu, 22/11/2024 23:14 (GMT +7)

Công tác xã hội hóa TDTT nhìn từ CLB ĐTLA

Thứ 7, 07/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Những năm đầu của thập niên 2000, Long An là một trong những địa phưong đi đầu trong phong trào xã hội hóa (XHH) ngành TDTT. Thực hiện tốt chủ trương của đảng và nhà nước, lần lượt các đội bóng chuyền nam Hoàng Long Long An, nữ Bình Điền Long An cùng đội bóng đá ĐTLA đã được giao cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư. Và gần như ngay trong những năm đầu, thành tích của các đội bóng này đã được cải thiện. Lần lượt các đội bóng chuyền nam, nữ và đội bóng đá nam đã thay nhau thống trị các giải bóng chuyền, bóng đá đỉnh cao của ccả nước.

Thế lực bóng đá của cả nước

Cup 2013

“Đội bóng nhận huy chương đồng cúp quốc gia 2013” – Ảnh: Anh Tuấn

Sau hơn một thập thập niên đẩy mạnh công tác xã hội hóa ngành TDTT nhìn lại, dù thực tiễn đã xuất hiện một số những khó khăn, nhưng những gì làm được đã chứng tỏ rằng đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế mới.

Qua nhiều năm đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp,v,v..ngành TDTT đã huy động được một nguồn lực rất lớn để đầu tư cho thể thao đỉnh cao. Từ đó tiết kiệm được rất nhiều kinh phí từ ngân sách để đầu tư và phát triển cho nhiều môn thể thao khác.

Năm 2001, Doanh nghiệp Đồng Tâm bắt đầu nhận và chăm lo cho đội bóng đá nam, lúc bấy giờ mang tên Thanh Niên Long An tham gia ở giải hạng nhất quốc gia. Ngay từ năm đầu mang tên Gạch Đồng Tâm Long An, đội đã đoạt chức vô địch giải hạng nhất và giành quyền thăng hạng V-League 2002. Từ đó, bóng đá Long An đã trở thành một thế lực trong làng cầu của cả nước.

Nếu như trong nhiều thập niên trước đó, bóng đá Long An chỉ tham gia các giải như một đội bóng phong trào với chỉ một lần đoạt hạng ba cúp quốc gia, thì từ sau năm 2002 với cái tên Gạch Đồng Tâm Long An, bóng đá Long An liên tục mang về cho tỉnh nhà rất nhiều thành tích mà không phải một địa phương nào trong cả nước cũng có thể làm được.

Trong vòng 6 năm từ ngày lên hạng và chinh chiến ở đấu trường V-League, ĐTLA đã kịp mang về cho tỉnh nhà 2 chức vô địch liên tiếp vào các năm 2005 và 2006 cùng ba lần đoạt chức á quân.

Đặc biệt trong năm 2005, ĐTLA đã lần đầu tiên đoạt cú đúp khi vô địch quốc gia và giành luôn chiếc cúp quốc gia. Năm 2006, một lần nữa đội lại giành cú đúp danh hiệu khi ngoài chức vô địch quốc gia, đội cũng đoạt luôn chiếc siêu cúp quốc gia.

Ở mặt trận cúp quốc gia, ngoài chức vô địch vào năm 2005, đội đã một lần về thứ hai vào năm 2006 và 4 lần đoạt hạng ba vào các năm 2002, 2013, 2014 và 2015.

Nói về những thành công trong việc huy động nguồn lực từ xã hội để chăm lo cho sự nghiệp TDTT của tỉnh nhà, sau 15 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa, ông Phạm Văn Trấn, giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Long An đã cho biết: “Qua gần 15 năm hoạt động, ngoài những thành tích, những thứ hạng đạt được trong bóng đá đỉnh cao, CLB ĐTLA đã thực sự trở thành một đội bóng được nhiều người yêu mến không chỉ trong phạm vi của tỉnh, của khu vực mà còn trong cả nước. Chứng tỏ chủ trương XHH của đảng và nhà nước là một chủ trương rất đúng đắn”

Những con số gây ấn tượng

CDV

“ ĐTLA đã xây dựng được một lực lượng CĐV đông đảo” Ảnh: Anh Tuấn

Ngoài những danh hiệu đạt được đã nêu ở trên, sau gần 15 năm đẩy mạnh công cuộc xã hội hóa TDTT mà CLB ĐTLA là một điển hình, Long An đã thu được những kết quả có giá trị về các mặt văn hóa, xã hội cũng như thu hút được nguồn kinh phí rất lớn từ xã hội.

Từ ngày mang tên Gạch Đồng Tâm Long An và bây giờ là ĐTLA, thì đời sống bóng đá của người hâm mộ Long An đã trở nên phong phú và đa dạng hơn. Long An đã trở thành một trong những địa phương có thành tích bóng đá nằm trong tốp đầu của cả nước. Và trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long kể cả TP. HCM, Long An cũng đã trở thành địa phương có thành tích tốt nhất trong kỷ nguyên V-League.

Sân vận động Long An đã trở thành điểm đến của những người yêu bóng đá trong tỉnh và khu vực lân cận vào mỗi cuối tuần. Mà nguồn gốc tạo sự thành công này chính là do huy động được nguồn lực của xã hội để phát triển bóng đá đỉnh cao, phù hợp với qui định của nhà nước. Bởi với chỉ một ít kinh phí lấy từ nguồn ngân sách hạn hẹp thì sẽ không thể xây dựng được lực lượng mạnh để tranh tài ở các giải bóng đá chuyên nghiệp. Thay vào đó, kinh phí mỗi năm trên 30 tỷ đồng sẽ do Doanh nghiệp Đồng Tâm gánh vác, từ đó đội bóng đủ sức tranh tài ở giải V-League.

Nếu chỉ tính con số kinh phí cho đội bóng tỉnh nhà chi tiêu cho một mùa V-League theo qui định của VPF vài mùa gần đây là khoảng trên 30 tỷ đồng/năm, thì trong 15 năm qua, xem như tỉnh đã huy động từ xã hội nguồn kinh phí tương đương 500 tỷ đồng. Đó có thể xem là con số biết nói của hoạt động xã hội hóa chỉ riêng đội bóng đá nam.

Trong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách dành cho bóng đá hàng năm sẽ được tập cho công tác đào tạo cầu thủ trẻ và xây dựng lưc lượng cho các môn thể thao khác.

Hướng đến một đội bóng mang đậm bản sắc Long An

DTLA

“ĐTLA là đội bóng gây được nhiều thiện cảm với người hâm mộ cả nước” – Ảnh: Minh Tín

Một thành công khác cũng gắn liền với xu thế xã hội hóa đó là, những năm gần đây đội bóng đá tỉnh nhà đã cùng với Hội CĐV xây dựng nên mối đoàn kết hết sức đặc biệt. Mối quan hệ này đã đóng vai trò cầu nối giữa cầu thủ và người hâm mộ, giúp tình cảm giữa đội bóng và cầu thủ thứ 12 ngày càng khắng khích hơn.

Đến nay, dù ĐTLA là đội bóng không có ngôi sao, nhưng lại là đội có số lượng người hâm mộ trung thành đông đảo tại V-League.

Ngoài việc cổ vũ cho đội thi đấu trên sân nhà, bất kể ở giai đoạn thành công hay thất bại, thì gần như tất cả các trận đấu trên các sân khách thuộc khu vực phía nam đều được các CĐV sát cánh ủng hộ.

Chính những cổ động viên nhiệt thành này đã góp phần tạo nên một bản sắc riêng ở ĐTLA, mà không nhiều đội bóng kể cả những đội rất giàu tại V-League có được.

Đó được xem là tiền đề để xây dựng một đội bóng thực sự của công chúng, phục vụ cho công chúng và phát triễn vì công chúng.

Hiện tại, dù V-League đã bước vào giai đoạn thoái trào, nhiều đội bóng đã lần lượt giải thể họăc đổi tên, nhưng ĐTLA vẫn là một tên tuổi của bóng đá Việt Nam. Giờ đây đội đã tìm cho mình một hướng đi riêng, tách rời khỏi các cuộc chạy đua mua sắm tiền tỷ, nhưng vẫn là một đội bóng giàu cá tính, được đông đảo người hâm mộ yêu thích và làm tốt nhiệm vụ chính trị mà tỉnh đã giao.

Qua các giải mà đội tham gia trong vào ngoài nước, thì hình ảnh của Long An đã ngày càng gần gũi hơn với bạn bè gần xa. Vào mỗi cuối tuần, sân Long An trở thành ngày hội của những người yêu bóng đá. Và hình ảnh tại đây được truyền tải rộng rải qua sóng truyền hình, góp phần quảng bá thêm hình ảnh Long An, một trong những địa phưong nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đang từng ngày phát triển để trở thành một tỉnh công nghiệp từ đây đến 2020.

Võ Văn Huy

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu