Thứ Sáu, 29/11/2024 10:39 (GMT +7)

COVID-19 diễn biến phức tạp, ca bệnh tăng nhanh, tiêm chủng chậm chạp

Thứ 4, 06/01/2021 | 15:00:00 [GMT +7] A  A

Tháng 1/2021 bắt đầu với những con số u ám về đại dịch COVID-19 trên toàn cầu khi virus SARS-CoV-2 gây ra những đợt lây nhiễm mới khắp từ Anh, Nhật Bản cho tới Mỹ. Hàng loạt quốc gia đã áp dụng lại chế độ nghiêm ngặt như thời kỳ đầu dịch. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng vaccine đang diễn ra chậm chạp ở nhiều nước khi số ca mắc và tử vong không ngừng tăng lên.

Các nước siết chặt phòng dịch đầu năm

Cảnh vắng vẻ trên cầu Tháp ở London khi Chính phủ Anh ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan ngày 5/1. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ The Guardian, quốc gia mới nhất áp đặt lệnh phong tỏa là Anh. Nước này sẽ bị phong tỏa trong 6 tuần ở cấp độ cao nhất từ tối 4/1. Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, biến thể mới của SARS-CoV-2 được phát hiện thấy ở Anh gần đây đã khiến mức độ lây nhiễm ở Anh tăng vọt, do vậy chính phủ thấy cần phải nâng cấp phong tỏa lên mức độ cao nhất.

Theo đó, tất cả mọi người đều bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài 1 lần trong ngày để tập thể dục ngoài trời, hoặc đi mua các nhu yếu phẩm. Tất cả các trường học từ bậc phổ thông đến bậc đại học sẽ buộc phải đóng cửa trường chuyển sang học trực tuyến ít nhất đến ngày 15/2.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tuần cuối cùng của năm 2020, Anh có tỷ lệ ca mắc mới là 720/100.000 dân, cao hơn gấp đôi con số ở Pháp, Đức và Italy; thấp hơn Hà Lan, Séc, Thụy Điển và Đan Mạch.

Khu vực Cổng thành Brandenburg ở Berlin vắng người qua lại do COVID-19.

Ảnh: Mạnh Hùng – P/v TTXVN tại Đức

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang ngày 5/1 đã nhất trí kéo dài các biện pháp phòng chống COVID-19 đang áp dụng hiện nay cho tới ngày 31/1, đồng thời siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa nhằm kiềm chế đại dịch lây lan.

Với các vùng có chỉ số lây nhiễm vượt quá 200 ca/100.000 dân trong 7 ngày, người dân bị hạn chế đi ra khỏi nơi ở quá 15 km, ngoại trừ một số lý do chính đáng như đi khám bệnh hay đi làm. Đức tiếp tục đóng cửa các trường học và nhà trẻ tới hết tháng 1.

Thủ tướng Merkel cảnh báo tình hình đã có những diễn biến ở mức nguy hiểm như biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và mọi nỗ lực cần tập trung để có thể giảm chỉ số lây nhiễm xuống dưới mức 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 4/1. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản nghiêm trọng tới mức Chính phủ Nhật Bản cân nhắc kế hoạch công bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Kanagawa và Chiba vào ngày 7/1 nhằm khống chế dịch COVID-19.

Theo Thủ tướng Suga Yoshihide, tình trạng khẩn cấp có thể sẽ có hiệu lực trong khoảng một tháng. Chính phủ sẽ cố gắng hạn chế tối đa trở ngại cho các hoạt động kinh tế-xã hội bằng cách thực hiện các biện pháp này trong phạm vi hạn chế và có trọng điểm. Số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận vẫn ở mức rất cao trong 3 ngày đầu năm mới, chiếm khoảng 50% tổng số ca nhiễm mới trên toàn quốc.

Tại khu vực Đông Nam Á, một ủy ban thuộc Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã thông qua gia hạn tình trạng khẩn cấp ở nước này cho tới cuối tháng 2/2021. Việc gia hạn 45 ngày đối với sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, thay vì gia hạn từng tháng một như thông thường, được đưa ra khi Thái Lan đang phải đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh sau đợt bùng phát mới hồi tháng trước. Có ngày, Thái Lan ghi nhận tới 745 ca mắc mới. Chính phủ Thái Lan đã xếp 28/77 tỉnh, thành, trong đó thủ đô Bangkok, là các khu vực có nguy cơ cao.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại New York, Mỹ ngày 1/1. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Mỹ, nhiều trường đại học vừa lên kế hoạch lùi ngày tựu trường kỳ mùa xuân để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và có đủ thời gian để y, bác sĩ và cán bộ y tế của trường kịp tiêm vaccine trước khi quay trở lại làm việc.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, trong tuần qua, Mỹ có trung bình 2.637 ca tử vong/ngày. Tức là cứ 33 giây, Mỹ lại có một người chết vì COVID-19. Tháng 12/2020 là tháng Mỹ có nhiều người chết nhất vì đại dịch (77.572 ca tử vong). Dự báo số ca tử vong sẽ còn tăng nữa khi số ca lây nhiễm và nhập viện ngày càng cao. Số ca mắc mới hàng ngày ở Mỹ tăng 16% trong tuần qua, chủ yếu do virus lây lan trong các cuộc tụ họp dịp nghỉ lễ.

Chương trình tiêm chủng chậm chạp

Trái với tốc độ lây lan nhanh của virus, quá trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đang diễn ra rất chậm chạp ở phần lớn các quốc gia. Nhiều nước sẽ không thể đạt mục tiêu tiêm chủng đại trà khi mà kế hoạch tiêm liên tục bị trì hoãn, thiếu nhiều thứ cần thiết và xảy ra tình trạng quan liêu.

Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hartford, Connecticut, Mỹ ngày 4/1. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo tờ The Guardian, Mỹ là ví dụ điển hình cho tình trạng tiêm chủng chậm chạp, phản ánh cách phản ứng với dịch bệnh thiếu nhất quán của chính quyền Mỹ. Trong 17,5 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna mà Mỹ nhận được, chỉ có 4,2 triệu liều đã được sử dụng, chủ yếu là liều đầu tiên trong hai liều mà một người cần phải tiêm để có miễn dịch.

Con số này kém xa mục tiêu mà Mỹ đặt ra cuối năm 2020: 20 triệu người được tiêm chủng. Xuất hiện thông tin cho thấy vaccine ở Mỹ giảm chất lượng do quá trình tổ chức yếu kém, thiếu nhân viên y tế để tiêm vaccine, thậm chí vaccine bị cố ý làm hỏng.

Vấn đề lớn nhất khiến tiêm chủng bị trì hoãn là giới chức liên bang để các bệnh viện và giới chức y tế địa phương tự lo khâu hậu cần phân phối khi mà ở cấp địa phương, các chính quyền đang vất vả chống đỡ với đại dịch đã khiến trên 365.000 người chết.

Tại Liên minh châu Âu (EU), tình trạng thiếu kết nối giữa cơ quan cấp phép vaccine cũng khiến khối này gặp rắc rối trong chương trình tiêm chủng. Mặc dù Anh khẩn trương cấp phép cho hai loại vaccine COVID-19 nhưng Cơ quan Y tế châu Âu lại có quy trình cấp phép chậm hơn và tới nay mới chỉ vaccine của Pfizer/BioNTech được chấp nhận ở EU. Do đó, công ty dược này chưa thể đáp ứng mức cầu cao của các nước EU, dẫn tới thiếu hụt vaccine ở một số quốc gia. Do thiếu vaccine mà Đức và Đan Mạch đã phải xem xét khả năng lùi thời gian tiêm liều thứ hai.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nice, Pháp ngày 5/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Pháp, chương trình tiêm chủng diễn ra rất chậm chạp. Do có nhiều người dân hoài nghi vaccine nhất thế giới, trong cuối tuần qua, dù Pháp có tới 500.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech, nhưng chỉ có 516 người dân đi tiêm vaccine. Ở Anh, con số này là 1 triệu người, còn ở Đức là 200.000 người trong cùng khung thời gian. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải yêu cầu tiến hành tiêm chủng khẩn trương hơn.

Tại Nam Phi, cũng như các quốc gia châu Phi khác, nước này gặp khó khăn trong mua vaccine COVID-19 cho dù thế giới có sáng kiến COVAX để đảm bảo cung cấp vaccine giá rẻ, công bằng cho các nước nghèo. Pfizer có kế hoạch cung cấp vaccine cho châu Phi, Moderna thì không, còn AstraZeneca thì phải tới năm sau mới có nguồn cung cho Nam Phi.

Nam Phi sẽ có đủ vaccine cho 10% trong tổng số 60 triệu dân thông qua sáng kiến COVAX, nhưng khi xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, con số này dường như chỉ là muối bỏ biển.

Các nước châu Phi còn thiếu thiết bị lưu trữ vaccine siêu lạnh và gặp khó khăn trong phân phối. Các chuyên gia cho rằng do tiêm chủng vaccine không hiệu quả ở các nước đang phát triển mà các biến chủng mới, dịch bệnh mới sẽ tiếp tục gây ra các đợt bùng phát dịch toàn cầu.

Thùy Dương/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-dien-bien-phuc-tap-ca-benh-tang-nhanh-tiem-chung-cham-chap-20210106111846041.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu