Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 13:41 (GMT +7)
Croatia 2-1 Anh: Cho giấc mơ thêm dài
Thứ 5, 12/07/2018 | 10:08:00 [GMT +7] A A
Người Anh đã nói rất nhiều về việc mang bóng đá về với quê hương của nó. Và quả thực năm 2018 này chính là một trong những thời điểm mà tuyển Anh đã tiến gần nhất đến sứ mệnh ấy.
Tuyển Croatia có lẽ là một trong những đội bóng khiến người ta “ngại” gặp nhất ở các vòng loại trực tiếp World Cup lần này. Có lẽ không chỉ bởi khả năng chuyên môn của họ, mà còn bởi mỗi khi gặp họ thì trận đấu đều bị biến thành một cuộc đua sức trong vòng 120 phút, nơi mà Modric và các đồng đội đã có thừa kinh nghiệm.
1. Tuyển Anh tính già hóa non
Tuyển Anh vươn lên từ khá sớm. Ảnh:Reuters
Bước vào trận đấu với Anh qua hai trận kịch chiến 120 phút và trên chấm luân lưu, cộng thêm một đội hình với toàn những trụ cột tuổi “băm”. Do đó, mặc dù có những tên tuổi như Modric, Perisic, Rakitic hay Mandzukic trong đội hình nhưng không nhiều người cho rằng Croatia có thể có ưu thế trước một tuyển Anh đầy sức trẻ, thể lực và đang hừng hừng khát khao “mang bóng đá về nhà”.
Thực vậy, tuyển Anh đã nhanh chóng bung sức ngay từ đầu trận và có được lợi thế từ khá sớm sau cú sút phạt chính xác của Kieran Trippier ngay từ phút thứ 5. Rõ ràng, với những ưu thế như trên kèm theo bàn dẫn từ sớm, đoàn quân của HLV Southgate hoàn toàn có thể có những tính toán ngay từ đầu trận để sớm kết thúc trận đấu này.
Tuyển Anh quả thực đã làm như vậy. Xuất phát với đội hình 3-1-4-2 chẳng có nhiều mới lạ từ đầu giải đến nay, tuyển Anh rất mạnh khi có được lợi thế và chơi theo kiểu phòng ngự – phản công.
Biết được bên Croatia có cặp tiền vệ đẳng cấp Rakitic – Modric, anh đã sử dụng lợi thế đông người ở giữa sân của mình để liên tục tranh chấp, gây sức ép khiến cho bộ đôi này gần như bị cắt rời sự liên lạc với tuyến trên trong hiệp 1. Gây cho Croatia rất nhiều khó khăn trong triển khai bóng.
Mặt khác, bộ ba trung vệ đầy sức mạnh John Stones, Harry Maguire và Kyle Walker của tuyển Anh gần như áp đảo so với lão tướng 32 tuổi Mario Mandžukić trong hiệp 1. Khiến cho mọi đường bóng bổng, vốn là thế mạnh của tiền đạo này không thể phát huy hiệu quả. Anh cũng khóa chặt các cánh với sự lùi sâu của Young và Trippier khiến cho việc thực thi những đường tạt gặp rất nhiều khó khăn.
Trên mặt trận tấn công, tuyển Anh có một Harry Kane rất giỏi làm tường, phối hợp và đón nhận các đường chuyền dài từ tuyến dưới để phân phối cho những nhân tố xung quanh, đặc biệt là Sterling với tốc độ của mình khuấy đảo hàng thủ Croatia. Ngoài ra, Anh vẫn rất mạnh ở những pha bóng chết vốn là thứ vũ khí đầy lợi hại của đội bóng này kể từ đầu giải.
Hiệp 1 kết thúc với việc Croatia cầm nhiều bóng hơn với 53% thời lượng, dứt điểm đến 6 lần (trúng 1) so với 4 lần (trúng 1) của Anh song trên thực tế đội bóng đến từ vùng Balkan hầu như không thể tạo ra những uy hiếm đáng kể nào đến khng thành thủ môn Pickford. Trong khi đó tuyển Anh bàn thắng ngay từ thời điểm đầu của Trippier thì Harry Kane sau đó còn có cơ hội đối mặt rất nguy hiểm mà đáng nhẽ ra nó đã phải là một bàn thắng. Thế trận như vậy, mặt khác các cầu thủ Croatia dường như còn khá mệt mỏi sau những màn “hành xác” từ các vòng trước do đó cũng không thể đẩy mạnh nhịp độ trận đấu hòng tìm bàn gỡ cùng tâm lý có phần nôn nóng của đội bóng này đã càng củng cố thêm thành công của tuyển Anh.
Bước vào hiệp 2, phát huy tinh thần của hiệp đấu trước đó, tuyển Anh vẫn tiếp tục thi triển lối đá của mình.
Song dường như sau giờ nghỉ, đã có những biến chuyển trong tâm lý của hai đội.
Bên phía tuyển Anh, các cầu thủ dường như đã quên rằng mình đang phải đối mặt với một đối thủ vô cùng lỳ lợm và đầy kinh nghiệm. Họ đá dường như có chút gì “lỏng chân” so với hiệp đầu. Vẫn là lối đá phòng ngự phản công nhưng việc gây sức ép nơi tuyến giữa của tuyển Anh dường như thiếu đi sự mạnh mẽ, cho phép các cầu thủ Croatia có thời gian cầm bóng, thi triển lối chơi của mình. Phía trên, vẫn là Kane đón rất tốt các đường bóng dài, đặc biệt là thẳng từ thủ môn Pickford để phân phối cho những nhân tố khác. Song Sterling, cầu thủ đã tạo ra vô số sự tranh cãi gần đây về vai trò của mình, lại vẫn cho thấy sự vô duyên như thường lệ. Thậm chí, anh còn kém nguy hiểm hơn nhiều so với trận gặp Thụy Điển khi phải đối phó với hàng thủ già rơ và chơi quyết liệt của Croatia.
Đội tuyển Croatia sau hiệp đầu nóng vội, thì tới hiệp 2 đã cho thấy sự trấn tĩnh nhanh chóng và bản lĩnh trận mạc của mình. Trung thành với những quả tạt từ hai cánh, đội bóng mặc áo xanh đã dùng tới 41 lần tạt bóng trải đều từ đầu đến cuối trong 120 phút và dàn ra đều ở cả 2 bên cánh. So với 16 đường tạt của Anh, một đội cũng nổi tiếng với lối đá tạt cánh – đánh đầu thì Croatia rõ ràng đã cho thấy sự quyết tâm khai thác vào hai cánh trong bối cảnh hàng tiền vệ đã quá chật chội với các cầu thủ Anh rất nhanh, khỏe, áp sát tốt.
Hai cánh của Croatia đều hoạt động rất tốt trận này, cánh phải với Ante Rebić đầy năng nổ cùng với hậu vệ Šime Vrsaljko vốn đã chơi rất tốt trong trận gặp Nga đã liên tục dâng cao, áp sát vào cánh trái Anh do một Young cũng đã 32 tuổi trấn giữ. Không được sự hỗ trợ thường xuyên, lão tướng đang chơi cho Man United này thường gặp rất nhiều khó khăn với các cầu thủ có thể lực tương đối tốt bên phía Croatia. Bên cánh kia, ngôi sao Ivan Perisic không những tạt tốt, mà còn thường xuyên đi bóng, áp sát, lao vào trong vòng cấm dứt điểm gây nhiều khó khăn cho hàng phòng ngự Anh.
Perisic gỡ hòa cho Croatia. Ảnh:Reuter
Và trong một pha bóng như vậy, từ đường tạt tốt của Šime Vrsaljko, bóng rơi đúng vào vị trí được đánh giá là yếu nhất của hàng trung vệ Anh là Kyle Walker, một cầu thủ chỉ cao có 1m81 và vốn là một hậu vệ cánh bị kéo vào đá trung vệ, Perisic đã dũng mãnh băng vào, dứt điểm tung lưới Pickford ở phút thứ 68.
Bị gỡ bàn khiến tinh thần tuyển Anh đi xuống, họ dường như đã không còn là chính mình. Còn các “lão tướng” bên Croatia những tưởng sẽ xuống sức song lại càng đá càng hăng. Ngôi sao chạy cánh Perisic sau khi có bàn lại càng đá hay và liên tục làm khổ Walker bên cánh trái. Phút thứ 72, sau một pha solo đầy ngẫu hứng, cầu thủ Croatia này dứt điểm đập cột khiến cho các cổ động viên Anh càng thêm thót tim lo lắng.
Nhận thấy sự thiếu hiệu quả của hàng công đang gây ra vấn đề lớn cho hệ thống của mình, HLV Southgate quyết định rút Sterling, cầu thủ đã kém đi trông thấy so với chính mình ở trận trước gặp Thụy Điển, và tung vào tiền đạo 20 tuổi Marcus Rashford những mong thể lực, sức trẻ của anh này sẽ có được sự ảnh hưởng lớn hơn. Ít phút sau, Young đã xuống sức cũng được thay ra bởi Danny Rose để tăng cường phòng thủ ở cánh trái.
Tuy nhiên, Rashford đã không đạt được nhiều hiệu quả trong hệ thống của tuyển Anh. Cầu thủ này có thừa sức lực song lại thiếu đi sự tinh tế và dễ dàng bị các cầu thủ giàu kinh nghiệm của Croatia vây bắt. Harry Kane lúc này cũng đã cho thấy sự xuống sức trông thấy mặc dù anh mới 24 tuổi, trẻ hơn rất nhiều so với các trung vệ đều đã 29 tuổi là Vida và Lovren bên phía Croatia. Có lẽ cầu thủ này đã di chuyển quá nhiều để tham gia xây dựng lối chơi cũng như việc phân phối sức chưa thực sự hợp lý của tuyển Anh khiến cho không chỉ Kane mà rất nhiều vị trí xuống sức còn nhanh hơn những cầu thủ “lão tướng” của đội bạn. Điển hình là Trippier về cuối trận còn có những vấn đề về cơ bắp và phải đưa ra ngoài.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song tuyển Anh cũng đã có cơ hội cho riêng mình. Xuất phát từ một pha phạt góc vốn là phương án tấn công đầy hiệu quả từ đầu giải của thầy trò HLV Southgate, John Stones đánh đầu chính xác vào khung thành song Šime Vrsaljko lại xuất hiện ở góc cầu môn và cứu thua gang tấc.
Không tận dụng được thời cơ, Anh lại phải trả giá từ một trong những pha bóng đặc trưng của Croatia trong trận đấu này. Phút 105, Perisic căng ngang vào cho Mandzukic đệm bóng song Pickford đã phản xạ kịp đẩy ra. Nhưng đến phút thứ 109, cũng lại xuất phát từ một pha bóng ở cánh phải của tuyển Anh này, Mandzukic ở tuổi 32 lại có pha bất thần tăng tốc sau lưng Stones hay Maguire dường như cũng đã thấm mệt sau hơn 100 phút, và dứt điểm tung lưới Pickford.
Kane cùng tuyển Anh đã có một ngày buồn. Ảnh:Reuters
Tuyển Anh có lẽ đã trả giá cho những tính toán từ quá sớm của mình. Và thực tế, đây không phải là lần đầu khi ở trận gặp Colombia họ cũng từng bị bàn gỡ hòa ở những phút cuối cùng. Đã có tiếng chuông cảnh báo từ lúc đó, song dường như HLV Southgate và các học trò đã quá tự tin vào bản thân khi vẫn áp dụng một lối đá tương tự trước Croatia vốn nguy hiểm và kinh nghiệm hơn rất nhiều. Sẽ có những sự tiếc nuối cho Anh. Song với Croatia, họ đã chiến đấu, họ đã quyết tâm, họ không từ bỏ và họ xứng đáng chiến thắng.
2. Lại thêm một lần nuối tiếc cho tuyển Anh
Có lẽ ở Việt Nam, có rất nhiều người yêu mến đội tuyển Anh. Nguyên nhân thì có lẽ rất nhiều, có thể là do sự phổ biến của giải ngoại hạng với các đội bóng Anh rất được hâm mộ như Manchester United, Arsenal, Liverpool, Chelsea,Manchester City,…
Tuyển Anh trong chúng ta có thể là những bước chạy thần tốc của “thần đồng” Michael Owen từ giữa sân và sút tung lưới Argentina ở World Cup 1998. Một trận đấu đã khiến cho người hâm mộ đi từ trạng thái sung sướng sang thất vọng tột độ sau thẻ đỏ thiếu kinh nghiệm của David Beckham, một “con cừu non” khi đó trước những cái đầu đầy sạn đến từ đường phố Nam Mỹ. Tuyển Anh đã hiện lên như một biểu tượng của tinh thần hiệp sĩ mà người dân nước này luôn hướng đến, với chiếc áo trắng cùng biểu tượng tam sư đầy thời thượng.
Tuyển Anh sau này, vẫn là những hình ảnh sáng chói, đẹp đẽ mỗi khi ra sân. Là khuôn mặt điển trai của David Beckham cùng những cú sút phạt đầy hiểm hóc của chàng tiền vệ hào hoa này. Tuyển Anh là những pha bóng tốc độ, những cú nã đại bác của những Scholes hay Lampard, Gerrard sau này. Tuyển Anh thường thiếu tính toán, tâm lý thủy tinh và hay thua phạt đền, song đó vẫn là điểm đáng yêu của đối với các fan của họ.
Thời kỳ vàng son của tuyển Anh đến trùng với kỷ nguyên truyền thông bùng nổ ở Việt Nam có lẽ cũng là một nguyên nhân giúp cho đội bóng này đến với nhiều cổ động viên. Những năm đó, áo đấu của tuyển Anh là mặt hàng được bán chạy nhất với những cái tên như Beckham, Owen, Lampard,… hay sau này là Rooney phía sau lưng.
Nhưng rồi, cái thế hệ vàng của Anh đã qua đi mà chẳng mang lại điều gì ngoài sự thất vọng. Anh có lực lượng? Phải. Anh liệu có thiếu các HLV đẳng cấp? Có lẽ là không khi mà họ đã từng được dẫn dắt bởi những Sven-Göran Eriksson và Capello vốn rất thành công với các câu lạc bộ của mình từ trước. Nhưng Anh vẫn thiếu gì đó, có lẽ là sự quyết tâm, đoàn kết hay tập trung trước mỗi giải đấu. Để sau này Rio Ferdinand đã phải mô tả tuyển nhà là một “gánh xiếc”.
Các cầu thủ trẻ của tuyển Anh hiện tại sẽ là nòng cốt trong tương lai. Ảnh:Getty Images
Nhưng rồi thế hệ đó cũng phải qua đi, với Rooney là gạch nối cuối cùng đã giã từ đội tuyển. Tuyển Anh mấy năm gần đây đã “bình dân” hơn nhiều, với cái tên đình đám nhất chỉ là Harry Kane, vốn chẳng so nổi với vầng hào quang của các đàn anh khi xưa. Song đội quân” bình dân” với những Stone, Maguire, Pickford, rồi Lingard, Young, Sterling,… ấy dưới trướng một HLV vốn từng là sự thay thế tạm bợ là Southgate đã khiến cho cả nước Anh phải choáng ngợp.
Anh ở World Cup 2018 rõ ràng không phải là đội có thứ bóng đá quá đẹp. Họ đá khá thực dụng với điểm mạnh nhất đến từ những pha phản công tốc độ và đặc biệt là khả năng tận dụng những pha bóng chết có lẽ “tiệm cận hoàn hảo” của mình.
Anh 2018 không hào nhoáng, bóng loáng và đẹp đẽ như xưa, họ cầm không nhiều bóng, nhiều khi lui về chịu trận song lại vô cùng quyết tâm, đoàn kết và tuân thủ chặt chẽ đấu pháp đề ra. Rõ ràng, Anh 2018 không phải là “gánh xiếc” nữa mà đã trở thành một đội bóng thực thụ. Đội bóng ấy không còn thứ tâm lý thủy tinh cứ đá luân lưu là thua mà đã biết cách vượt qua những khoảnh khắc khó khăn nhất, với sự tỏa sáng của một thủ môn có mác “bình dân” song lại vô cùng hiệu quả là Jordan Pickford.
Anh 2018 không còn là tuyển Anh xưa với những bàn thua ngớ ngẩn do lỗi thủ môn, hay những trận đấu dồn ép song không ghi được bàn. Họ đã được một HLV không quá tên tuổi là Southgate nhào nhặn để trở thành một hệ thống, một tập thể biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, trong đó mỗi cá nhân đều biết việc của mình.
Anh 2018 có thể đã lại thất bại trong hành trình “mang bóng đá về nhà” song chính họ là một biểu trưng cho tuyển Anh mới, một “đội bóng” thực thu và chính những cá nhân này, có lẽ sẽ là nòng cốt cho người Anh thêm nhiều giải đấu sau nữa. Tuyển Anh có lẽ sẽ không thể nào quay trở về hình ảnh hào nhoáng ngày xưa với những con người này, song với các cổ động viên của họ, có lẽ đó lại là một điều vui.
Bái Dương (redcafe)
Ý kiến ()