Tháng 4/2015, cụ bà Nguyễn Thị Trù đã được Hiệp hội Kỷ lục thế giới (World Records Association – WRA) công bố là “Cụ bà cao tuổi nhất thế giới”.
Cụ Trù có tất cả 11 người con, đến ngày cụ được công nhận là cụ bà cao tuổi nhất thế giới thì chỉ có 2 người còn sống. Ngoài ra, cụ Trù còn có khoảng 20 người cháu nội ngoại, gần 20 người chắt và hơn 30 người chít.
Trước khi mất, cụ Trù ở với người con dâu của mình là bà Nguyễn Thị Ba (75 tuổi). Do tuổi cao nên mọi sinh hoạt của cụ Trù đều một tay bà Ba chăm sóc và lo toan.
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước, H.Bình Chánh (TP HCM) cho biết do tuổi cao sức yếu, cụ Nguyễn Thị Trù (123 tuổi) đã qua đời vào tối 12/7 tại nhà riêng ở xã Đa Phước.
Từ ngày cụ Trù được tổ chức WRA công nhận là “Cụ bà cao tuổi nhất thế giới”, nhận nhiệm vụ của cơ quan, tôi nhiều lần xuống tận nhà để thăm hỏi và viết bài về cụ. Tối 13/7, nghe tin cụ Trù qua đời mà tôi không ngăn được cảm xúc..
Cả cuộc đời của cụ Trù sống không đố kỵ, ganh ghét một ai. Tất cả thời gian của mình cụ Trù dùng để lo cho con, cho cháu. Đến khi sức khỏe không cho phép nữa thì cụ Trù chỉ quanh quẩn ở nhà hoặc đi lễ chùa. Với cụ Trù, cuộc sống chỉ cần đủ ăn, đủ mặc là được.
Cụ Trù mất vào lúc 16h45 ngày 12/7 tại nhà riêng ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM |
Nhớ lại lần đầu tiên tôi tìm đến thăm, khi ấy cụ Trù chỉ ngồi co ro trên một chiếc giường ở căn phòng riêng của mình, tay liên tục xếp mền rồi lại xé vài cọng chiếu. Cụ Trù thấy có người lạ đến thăm cũng chỉ ngước lên nhìn rồi lại tiếp tục những việc làm lặp đi lặp lại của mình. Được khoảng 5 phút thù cụ Trù đi ngủ.
Thế nhưng, ấn tượng với tôi nhất có lẽ là lần thứ hai thăm nhà cụ. Lần này, tôi và anh bạn đồng nghiệp mang theo một ít bánh ngọt và hoa quả. Lần này nhìn cụ Trù khỏe hơn và có vẻ vui hơn so với lần gặp trước, cụ vừa nhìn thấy chúng tôi đã móm mém nở nụ cười rồi mời ngồi.
Cụ Trù ngồi trên chiếc võng đặt sát giường, lấy chân đẩy võng đung đưa rồi kể chuyện ngày cụ còn trẻ, còn khỏe, từ chuyện khi nhà cụ còn ở trong vùng chiến đến chuyện có đứa con đầu lòng, rồi chuyện lúc chồng cụ qua đời. Cụ Trù kể rất nhiều, tất cả câu chuyện mà cụ kể đều rời rạc, không chuyện nào liên quan đến nhau, nhưng nhìn cụ cười hiền hậu, chúng tôi cứ yên lặng lắng nghe.
Lần thứ hai chúng tôi đến thăm, cụ Trù nắm tay và liên tục nói cười |
Cụ Trù nắm tay tôi rồi nắm tay anh bạn đồng nghiệp, cất tiếng yếu ớt, khàn khàn: “Tui biết chị thương tui lắm nên mới đến đây thăm tui, tui quý lắm, tui sẽ nhớ suốt đời”. Mặc dù cụ Trù bị đãng trí, nhưng nghe những câu nói đó của cụ mà tôi như có gì đó nghẹn ngào, không nói nên lời.
Khi bà Ba đưa cho cụ Trù miếng bánh, nói của chúng tôi mang tới biếu, cụ Trù cười hiền: “Tui cảm ơn nghe!”. Miếng bánh bé tí, vậy mà cụ Trù ngồi nhấm nháp mãi vẫn chưa hết. Vừa ăn cụ vừa nói cụ thích bánh này lắm, lần sau tới nhớ mua tiếp loại này cho cụ.
Cụ Trù cười hiền hậu khi trò chuyện cùng chúng tôi |
Thấy chúng tôi giơ máy ảnh lên chụp hình tác nghiệp, cụ Trù lại cười: “Có miếng bánh bằng ngón tay cái à mà chị cứ dọi vào chụp hoài. Chụp xong rồi có cho tui ăn nữa không?”
Nghe câu cụ hỏi, tôi không biết trả lời sao cho phải, mà chỉ tiến tới, nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc rồi nhìn sâu vào mắt cụ. Đôi mắt cụ Trù vẫn vậy, vẫn nhìn thẳng vào chúng tôi và toát ra sự ấm áp. Có lẽ lâu lắm rồi cụ Trù mới có người nói chuyện cùng. Có lẽ cụ đã quá quen với sự cô đơn của tuổi già, sự hiu quạnh của căn phòng chẳng có chút đồ đạc nên có người đến thăm và lắng nghe cụ nói chuyện cụ vui lắm.
Đến khi chúng tôi ra về, cụ níu tay chúng tôi lại và nói: “Lần sau chị tới nhớ mua cho tui nải chuối sứ nha, tui sẽ cất ăn dần”, chúng tôi xoa tay cụ rồi dặn cụ yên tâm. Vậy mà đến nay cụ đã ra đi mãi mãi trong khi lời hứa với cụ chúng tôi còn chưa kịp thực hiện…/.
Ý kiến ()