“Những ngày qua giá thịt lợn hơi đã tăng lên mức bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng trên 5.000 đồng/kg, trong khi giá bán thịt thành phẩm tại các siêu thị so với cách đây 10 ngày đã giảm xuống 10% – 20%”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho hay, hiện nay trong cả nước vẫn đang còn khoảng 300 – 400.000 tấn thịt lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, do đó Bộ NN&PTNT sẽ vẫn tiếp tục phối hợp với các ngành, cố gắng đưa tiêu thụ thịt lợn về mức cân bằng cung – cầu trong khoảng thời gian từ 3 – 4 tháng tới.
Để đảm bảo tốt việc sản xuất và tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi trong thời gian tới, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, mấu chốt cần tập trung giải quyết được là mối quan hệ cung – cầu mặt hàng thịt lợn, tránh không để nguồn cung quá lớn, bằng việc rà soát đảm bảo tổng đàn cũng như quy mô đàn hợp lý.
Đồng thời nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này, tổ chức sản xuất tiêu thụ theo chuỗi và không có sự hỗ trợ trực tiếp mà theo chuỗi và theo tín hiệu thị trường.
Giải pháp lớn nữa theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn là việc mở thị trường. Những năm trước Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu tiểu ngạch rất lớn đối với mặt hàng thịt lợn, nhưng 4 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này giảm còn dưới 10% so với cùng kỳ đã ảnh hưởng đến tiêu thụ thịt lợn.
Việc tạm nhập tái xuất mặt hàng thịt gia súc, gia cầm qua Việt Nam sang các thị trường khác bằng khoảng 52% – 55% sản lượng nước ta sản xuất. Chính phủ chỉ đạo kiểm soát tốt việc này, tránh việc thẩm thấu hàng hóa trong quá trình tạm nhập tái xuất ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Cũng liên quan đến vấn đề tiêu thụ thịt lợn thời gian qua, đại diện Bộ Công Thương – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp báo cũng khẳng định, việc nhập khẩu thịt lợn cũng như các sản phẩm từ thịt lợn những năm vừa qua không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thịt lợn tại thị trường trong nước.
Cụ thể là trong năm cả năm 2016, Việt Nam chỉ nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn với mức kim ngạch 4,4 triệu USD và bằng 0,1% sản lượng tiêu thụ thịt lợn ở trong nước. Liên quan đến việc tạm nhập tái xuất mặt hàng thịt lợn năm 2016, Việt Nam chỉ nhập 20 triệu USD, tuy nhiên Ban chỉ đạo 389 vẫn rất quan tâm và lưu ý đến hoạt động này để tránh việc đưa một số hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại thị trường trong nước.
“Vẫn có một số ít hàng hóa tạm nhập tái xuất bị thẩm thấu, nếu Chính phủ đồng ý thì trước mắt, Việt Nam có thể sẵn sàng tạm dừng việc tạm nhập tái xuất đối với những mặt hàng liên quan đến thịt lợn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu ý kiến.
Để góp phần khắc phục khó khăn về nguồn vốn cho người chăn nuôi trước mắt cũng như lâu dài, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm hoãn và giãn thời hạn trả nợ và không chuyển nợ nhóm với thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm thịt lợn.
Căn cứ trên khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm, xem xét từng trường hợp cụ thể để có thể có những biện pháp như miễn, giảm lãi suất vay kể cả nợ quá hạn để đảm bảo hỗ trợ cho bà con một cách phù hợp”, Phó thống đốc nêu rõ./.
Ý kiến ()