Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 02:48 (GMT +7)
Cuộc sống hậu vaccine không đồng nghĩa với việc ‘quay trở lại bình thường’
Thứ 2, 01/02/2021 | 13:45:00 [GMT +7] A A
Các chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 diện rộng đã và đang được tiến hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, mang đến tia hy vọng rằng cuộc sống trước đây có thể sớm trở lại trong tầm tay của chúng ta.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho người dân tại Hartford, bang Connecticut, Mỹ ngày 22/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin CNN, Anh là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện tiêm chủng với vaccine ngừa COVID-19 đã được kiểm duyệt đầy đủ và là một trong những quốc gia có tốc độ triển khai tiêm chủng nhanh nhất thế giới.
Nhưng liệu Anh – và các nước còn lại trên thế giới – hy vọng cuộc sống quay trở lại bình thường như trước kia nhanh đến đâu? Câu trả lời của các chuyên gia là không sớm đến vậy.
Phần lớn các chuyên gia y tế công cộng nhất trí rằng vaccine ngừa COVID-19 không phải là ‘viên đạn ma thuật” chấm dứt đại dịch. Họ khẳng định các biện pháp bảo vệ chống virus SARS-CoV-2, bao gồm như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, nên được duy trì trong ít nhất vài tháng.
Tiến sĩ Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, cho biết Chính phru Anh cần phải xem xét nhiều yếu tố trước khi nới lỏng lệnh phong tỏa, bắt đầu với sự giảm mạnh về số ca bệnh nặng và tử vong. “Vấn đề thực sự nằm ở con số”, Tiến sĩ Hunter nói.
Ông giải thích nếu Anh ở trong tình trạng như hồi tháng 8/2020, khi số ca mắc mới mỗi ngày đều dưới 1.000 ca, và thậm chí có ngày chỉ có 600 ca, số ca nhập viện dưới 100 ca và tỷ lệ tử vong dưới 10, thì chính phủ có thể nới lỏng một số quy định hạn chế hiện tại trong bối cảnh chương trình tiêm chủng đang diễn ra.
Tuy nhiên, các ổ dịch vẫn đang bùng phát không kiểm soát trên khắp nước Anh, khi trong ngày 27/1, quốc gia ghi nhận 25.000 ca mắc mới và 1.725 trường hợp tử vong, nâng tổng số tử vong do mắc COVID-19 tại nước này vượt mốc 100.000 người. Tuần trước, bức tranh cũng không hề lạc quan hơn khi mỗi ngày lại có trên 35.000 ca mắc và ít nhất 1.000 trường hợp tử vong. Hai tuần trước, Anh được coi là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì bệnh cao nhất thế giới.
Câu hỏi then chốt được đặt ra ở đây là vaccine có thể “làm phẳng đường cong” nhanh đến đâu.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ đối với các vaccine đưa vào sử dụng, cụ thể như liệu chúng có thể ngăn chặn sự lây truyền giữa người và người, hoặc chúng tạo được khả năng miễn dịch trong bao lâu. Khi câu hỏi chưa được giải đáp, điều này có nghĩa là những người đã được tiêm vaccine vẫn có thể lây truyền virus hoặc bị nhiễm sau một thời gian dài tiêm vaccine nếu như các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ hoàn toàn.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới cũng đe dọa niềm hy vọng của chúng ta, do các chuyên gia đơn thuần không biết các vaccine hiện hành sẽ phản ứng thế nào với những biến thể mới. Một số nghiên cứu mới chỉ ra biến thể B.1.351 lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi có thể vô hiệu hóa khả năng miễn dịch tạo ra từ vaccine.
Vào ngày 25/1, hãng dược phẩm Moderna tiết lộ mặc dù vaccine của họ “dự kiến bảo vệ cơ thể trước biến thể mới hiện nay”, bao gồm biến thể Anh song nghiên cứu ban đầu cho thấy loại vaccine này vẫn kém hiệu quả hơn khi đối mặt với biến thể virus phát hiện ở Nam Phi. Cả hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna cho biết họ đang phát triển một loại vaccine tăng cường mới để ngăn chặn tình trạng mất hiệu quả này.
Về phần mình, Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca cho biết họ đang “đánh giá cẩn thận tác động của các biến thể mới đối với khả năng miễn dịch của vaccine và cân nhắc các quy trình cần thiết để phát triển nhanh chóng một loại vaccine ngừa COVID-19 được điều chỉnh trong trường hợp cần thiết”.
https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-song-hau-vaccine-khong-dong-nghia-voi-viec-quay-tro-lai-binh-thuong-20210131152413367.htm
Ý kiến ()