Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 03:51 (GMT +7)
Đã có 28 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thứ 3, 22/08/2017 | 15:04:00 [GMT +7] A A
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, Bộ đã cấp giấy chứng nhận cho 28 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trang trại trồng dưa hấu của gia đình anh Lê Văn Hạnh ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: Trần Hữu Hiếu/TTXVN |
Trong đó, 9 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt (rau, hoa); 8 doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi (bò sữa, lợn, gà); 11 doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhưng chưa làm thủ tục thẩm định, công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo quyết định sửa đổi, thay thế Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng làm rõ các tiêu chí và giao UBND tỉnh thẩm quyền công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, các địa phương: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Quảng Ninh đã xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tổ chức thẩm định.
Các địa phương: Cần Thơ, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa chưa chủ động lập hồ sơ để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quyết định thành lập khu. Mặc dù, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa đã có một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động khá hiệu quả.
Bên cạnh đó, đến nay, đã có 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận. Đó là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Trung Sơn Kiên Giang, sản xuất tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp theo chuỗi giá trị từ nuôi đến chế biến và thương mại.
Trên thực tế, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được xây dựng và phát triển khắp cả nước như: vùng sản xuất lúa giống, gạo thương phẩm chất lượng cao; vùng sản xuất trái cây hàng hoá theo quy trình VietGAP tự động tưới tiêu, bón phân; vùng sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ trong hệ thống nhà màng, nhà kính; vùng chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô công nghiệp áp dụng quy trình tự động hoá và tiêu chuẩn VietGAPH, GlobalGAPH.
Ý kiến ()