Quyết định có hiệu lực từ đầu tháng 3, và “không bị coi là xử lý vi phạm hành chính”. Theo đó, công an cùng chính quyền địa phương khi phát hiện những người bán dâm có nguy cơ bị người khác dụ dỗ, chăn dắt, gạ gẫm, đe dọa, ép buộc thực hiện hành vi tình dục, sẽ lập hồ sơ để phía Sở Lao động thương binh và xã hội duyệt đưa và cơ sở bảo trợ xã hội.
Khi vào cơ sở bảo trợ xã hội, người bán dâm được tôn trọng nhân phẩm. Trong thời gian 3 tháng, họ được bảo vệ, kiểm tra sức khỏe, điều trị các bệnh xã hội, tư vấn tâm lý, pháp luật, dạy nghề… Công an và chính quyền địa phương cũng sẽ xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại, lạm dụng tình dục với người bán dâm.
Nhà chức trách cũng sẽ xác minh nhân thân, gia đình của những người bán dâm vào cơ sở bảo trợ xã hội, để bàn giao về sống tại cộng đồng. UBND các phường, xã có trách nhiệm giúp đỡ, giới thiệu công việc và tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Nếu hết thời hạn chăm sóc, bảo vệ theo quy định mà người mại dâm muốn sống tại cơ sở bảo trợ xã hội thì tự nguyện viết đơn để Sở Lao động thương binh và xã hội xem xét việc cho ở lại theo quy định của Chính phủ.
Ông Đặng Việt Dũng yêu cầu các ngành liên quan cũng như UBND các quận, huyện, phường, xã trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc thì phải phản ánh ngay với Sở Lao động thương binh và xã hội để sửa đổi, bổ sung quyết định cho phù hợp.
Hồi cuối tháng 12/2015, Đà Nẵng công bố có 18 gái mại dâm từng bị bắt quả tang. Tuy nhiên ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, thẳng thắn nhìn nhận “chắc chắn con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi còn rất nhiều gái bán dâm chưa bị bắt quả tang”.
Hiện Đà Nẵng có tình trạng gái bán dâm đứng đường bắt khách như đoạn đường Trường Chinh (gần cầu vượt Ngã Ba Huế), cầu Trần Thị Lý phía quận Ngũ Hành Sơn… Mới đây, công an đã đánh một phụ nữ vì lầm tưởng gái bán dâm./.
Ý kiến ()