Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 07:38 (GMT +7)
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tăng địa điểm thi và chỉ tiêu xét tuyển
Thứ 5, 14/01/2021 | 16:08:00 [GMT +7] A A
Ngày 14/1, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2021, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực vào thời điểm trước và sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo đó, từ ngày 15/1, thí sinh có thể đăng ký tham dự kỳ thi này, để có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân. Đặc biệt, năm nay ngoài 5 điểm thi như những năm trước, kỳ thi có thêm 2 điểm tổ chức, đồng thời các trường cũng tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi này.
Cụ thể, đợt 1 được tổ chức ngày 28/3 tại 7 điểm thi, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng và 2 điểm thi mới là Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Để dự thi đợt 1, thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 15/1-5/3. Kết quả thi dự kiến công bố ngày 5/4. Đợt thi thứ 2 sẽ tổ chức ngày 4/7 tại 4 địa phương, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 từ ngày 4/5-4/6. Kết quả thi dự kiến công bố ngày 12/7.
Các thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực sẽ đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng từ ngày 4/5-4/6. Dự kiến, năm 2021 các trường thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng chỉ tiêu xét tuyển kết quả kỳ thi này, với khoảng 30-70% tổng chỉ tiêu tùy ngành. Trong đó, Trường Đại học Bách khoa dành tối đa 70% trong tổng chỉ tiêu 5.000 để xét tuyển bằng phương thức này; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn dành tối đa 50% trong tổng chỉ tiêu hơn 3.500 để xét tuyển từ kỳ thi này…
Nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học, kỳ thi tập trung các nội dung về tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề… không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Theo đó, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh. Thí sinh thực hiện bài thi trong thời gian 150 phút.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính chia sẻ, sau lần đầu tổ chức đầu tiên vào năm 2018, kỳ thi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự tin tưởng của xã hội. Trong năm đầu tiên tổ chức, ngoài các trường đại học thành viên, có 24 trường đại học, cao đẳng ngoài hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh; đến năm 2020 có gần 70 trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
https://baotintuc.vn/giao-duc/dai-hoc-quoc-gia-tp-ho-chi-minh-tang-dia-diem-thi-va-chi-tieu-xet-tuyen-20210114114112540.htm
Ý kiến ()