Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 08:44 (GMT +7)
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Tạo động lực phát triển
Thứ 5, 21/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Tân Hoa xã ngày 20/1 đã đăng bài viết cho rằng Việt Nam đã đạt những thành tựu nổi bật trong suốt quá trình thực hiện công cuộc cải cách kinh tế với tên gọi “Đổi Mới”.
Một phiên đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN |
Với nền tảng vững chắc này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đáng kể sự phát triển của đất nước. Theo bài viết, trong vòng 5 năm trở lại đây, các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và nhiều nơi khác đã mọc lên như nấm, nhiều hạ tầng cơ sở hiện đại gia tăng nhanh chóng, đáng chú ý là Quốc lộ 1A nối liền hai miền Nam-Bắc được nâng cấp từ 2 làn lên 4 làn đường.
Bài viết cho rằng trong suốt 30 năm thực hiện công cuộc “Đổi mới”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước củng cố nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề cho những thay đổi sâu sắc. Trong giai đoạn 1990-2010, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trung bình tăng 7,3%/năm.
Trong 5 năm trở lại đây, bất chấp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng chú ý với GDP năm 2015 tăng 6,68% và lạm phát được giữ ở mức dưới 5%. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.260 USD/năm, đồng nghĩa với việc quốc gia Đông Nam Á này trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Việt Nam cũng vừa công bố các số liệu cho thấy thu nhập bình quân đầu người trong năm 2015 đã tăng lên 2.200 USD/năm.
Một trong những nội dung của Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng XII là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh”. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những biện pháp nhằm củng cố kỷ luật của các đảng viên. Báo cáo chính trị cũng nhấn mạnh tới việc tiếp tục đẩy mạnh cơ chế phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã điều chỉnh mục tiêu ban đầu là “xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020” thành “tích cực nỗ lực đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
“Hội nhập quốc tế” là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam những năm gần đây. Theo bài viết, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng với mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Hai nước đã đạt những tiến triển đáng kể trong quan hệ song phương. Năm 2015, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mức kỷ lục 95,82 tỷ USD.
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 12 năm liên tiếp, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong số các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2014.
Phát biểu trong lễ kỷ niệm 66 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam –Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng nhấn mạnh: “Quan hệ Việt-Trung đang trong giai đoạn quan trọng bởi hai nước đều đối mặt với những thay đổi lớn”. Ông khẳng định sự thành công của Đại hội Đảng XII của Việt Nam sẽ giúp quan hệ hai nước có thêm nhiều cơ hội mới.
Cùng ngày, hãng tin Kyodo đưa tin Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 20/1 đã bắt đầu tiến hành Đại hội lần thứ XII với một phiên họp trù bị. Đại hội tổ chức 5 năm một lần này dự kiến thúc đẩy hơn nữa chương trình cải cách kinh tế quy mô lớn có tên “Đổi Mới” và tái khẳng định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Trong thời gian diễn ra đại hội, các đại biểu sẽ thông qua “Báo cáo chính trị” – được xem là đường hướng về chính trị, kinh tế và ngoại giao cho 5 năm tới, đồng thời bầu ra ban lãnh đạo mới.
Theo Kyodo, Việt Nam, quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tương đối ổn định trong những năm gần đây do xuất khẩu tăng mạnh, dự kiến sẽ đạt mức tăng hơn nữa về xuất khẩu nhờ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, chênh lệch về tăng trưởng so với các nước khác trong khu vực như Singapore và Thái Lan.
Ý kiến ()