Các đại biểu cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất cũng như nâng cao đời sống của người dân nông thôn, nhất là trong điều kiện nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước nhiều thách thức của quá trình hội nhập.
Trước thực tế thời gian qua, những vấn đề tồn tại, hạn chế trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn gây bức xúc, nhiều đại biểu quan tâm đến những định hướng, chủ trương của Đảng trong vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Sỹ Trí, đoàn Ninh Bình đánh giá, những định hướng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới trong các văn kiện tại Đại hội XII đã được cụ thể hóa hơn so với trước đây.
“Trong chủ trương tới đây, Văn kiện có nêu sẽ có nhiều giải pháp để tích tụ ruộng đất, điều đó giúp cho nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. Trong chương trình xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, theo các Nghị quyết trước đây của Trung ương đến Đại hội lần này đã được cụ thể hóa và được nêu với yêu cầu và tình hình mới. Và trong chương trình này, bao trùm là xây dựng nông thôn mới”, đại biểu Nguyễn Sỹ Trí nhận xét.
Thời gian qua, chủ trương xây dựng nông thôn mới đã được cả nước hưởng ứng, đạt được nhiều thành quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng cao, nhiều nơi có sự khởi sắc rõ rệt. Vì vậy, đại biểu Ngô Thanh Danh, đoàn Đắk Nông cho rằng, quan điểm về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trong các văn kiện của Đảng là rất đúng đắn, với mục tiêu làm cho người dân nông thôn được hưởng thụ nhiều hơn. Đây là vấn đề cho người dân và người dân phải chung tay góp sức.
Tuy nhiên, theo đại biểu Ngô Thanh Danh, thời gian tới, các giải pháp xây dựng nông thôn mới cần được nghiên cứu có tính vùng miền để phù hợp với thực tiễn ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi.
“Đối với tỉnh Đắk Nông, do đặc điểm địa bàn, dân cư nên phát triển nông thôn mới chưa đạt được yêu cầu như mong muốn. Thời gian tới cần đẩy mạnh toàn diện, có lộ trình nhất định, phải có tính vùng miền cho phù hợp, không thể áp dụng tiêu chí nông thôn mới như nhau trên toàn quốc, như vậy khu vực miền núi không thể phấn đấu kịp với các vùng đồng bằng, phát triển. Cho nên các giải pháp cần cụ thể và phù hợp, sát đúng với thực tiễn từng vùng”, đại biểu Ngô Thanh Danh kiến nghị.
Là huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ông Đỗ Đình Việt, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc cho rằng, 5 năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đem lại những thay đổi tích cực cho nông thôn Việt Nam và đời sống người dân nông thôn.
Theo ông Đỗ Đình Việt, những nội dung được đưa vào Báo cáo chính trị tại Đại hội lần này đã thể hiện rất rõ và nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cùng với xây dựng nông thôn mới, ông Đỗ Đình Việt cho rằng, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, trên cơ sở đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết.
“Thời gian tới, để thực hiện đột phá về nông nghiệp, việc quan trọng nhất là hiện đại hóa nông nghiệp theo hướng đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn để sản xuất khối lượng hàng hóa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế”, đại biểu Đỗ Đình Việt góp ý.
Các đại biểu mong muốn, từ những định hướng về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội, Đảng, Nhà nước sẽ cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển trong điều kiện hội nhập./.
Ý kiến ()