Ngày 5/11, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ Trung Hoa Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang.
Theo Đài Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn của phóng viên Trung Quốc trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng cho biết đây là chuyến thăm có ý nghĩa cột mốc, hai bên Trung-Việt đều coi trọng chuyến thăm lần này, mong muốn thông qua chuyến thăm để tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác cùng có lợi, xử lý ổn thỏa vấn đề tồn tại giữa hai nước, thiết thực bảo đảm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển một cách lành mạnh và ổn định.
Đại sứ Hồng Tiểu Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam hy vọng thông qua chuyến thăm lần này, quan hệ hai nước được phát triển hơn nữa, xử lý tốt sự bất đồng, thiết thực bảo đảm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển thuận lợi một cách lành mạnh và ổn định.”
Đại sứ Hồng Tiểu Dũng cho biết trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7 vừa qua của Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt được nhận thức chung quan trọng về kết nối sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc với quy hoạch phát triển “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất Trung-Việt.
Hai nước sẽ đi sâu khai thác tiềm năng hợp tác và mở rộng không gian hợp tác trên cơ sở nhận thức chung vốn có.
Trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ ký nhiều văn bản hợp tác trong các lĩnh vực như hợp tác giữa hai Đảng, xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục….
Điều đó sẽ đặt cơ sở vững chắc hơn cho giao lưu hợp tác hai nước trong giai đoạn tới.
Đại sứ Hồng Tiểu Dũng cho rằng: “Trung-Việt là cộng đồng vận mệnh chung có ý nghĩa chiến lược, kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt, thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước trong tình hình mới, phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, đồng thời có lợi cho hai nước thực hiện cùng thắng cũng như phát triển chung, phồn vinh chung, có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực.”
Nhân dịp này, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc- ngày 3/11 đã đăng tùy bút của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng với nhan đề “Giao lưu thúc đẩy tin cậy – Hợp tác đi lên cùng thắng.”
Bài báo nhấn mạnh giao lưu thúc đẩy tin cậy, hợp tác đi lên cùng thắng là quan điểm chung của hai nước và không ngừng làm phong phú nội hàm của quan hệ hai nước Trung-Việt trong thời kỳ mới.
Bài viết nhắc lại: “Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 4 năm nay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra Thông cáo chung nêu rõ hai nước có chế độ chính trị, con đường phát triển tương đồng, tiền đồ và vận mệnh tương quan, hai nước coi sự phát triển của mỗi nước là cơ hội quan trọng của nhau. Đây là bức tranh thực tế của quan hệ Trung-Việt hiện nay.
Trên thực tế, trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, nước có nhiều điểm chung như Việt Nam không nhiều, hai nước là cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược. Không ngừng tăng cường giao lưu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi là lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Trung Quốc liên tục 11 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, hơn 1.000 doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm nay, có gần 1,3 triệu lượt du khách Trung Quốc đến Việt Nam, chiếm gần 1/4 tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo Đại sứ Hồng Tiểu Dũng, hai nước còn tồn tại một số bất đồng và mâu thuẫn, nhưng hai bên đều nhận thức được lợi ích chung lớn hơn bất đồng, và dốc sức giữ gìn đại cục trong quan hệ hai nước.
Bài viết cho biết: “Năm nay kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam, trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước diễn ra dồn dập. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước đạt được một loạt nhận thức chung quan trọng về tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị, hợp tác cùng có lợi, xử lý thoả đáng bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển đi vào chiều sâu, chỉ rõ định hướng cho hai nước cùng ứng phó với thách thức, hướng tới tương lai hợp tác cùng thắng”./.
Ý kiến ()