Chủ Nhật, 24/11/2024 18:17 (GMT +7)

Đắk Nông ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các cây trồng chủ lực

Thứ 7, 11/11/2017 | 10:17:00 [GMT +7] A  A

Ngày 9/11, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý các Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Vườn ươm cây giống cà phê chất lượng cao phục vụ sản xuất.

Theo thông tin đưa ra tại Hội thảo, đến năm 2035 tỉnh Đắk Nông sẽ quy hoạch diện tích gần 31.000 ha tại 8 huyện, thị xã để xây dựng các vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh Đắk Nông tập trung ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: cà phê (khoảng 20.000 ha), hồ tiêu (4.250 ha), cây ăn quả (bơ, sầu riêng, chanh dây, cây ăn trái có múi) khoảng 2.400 ha…Tổng số vốn thực hiện dự kiến gần 2.700 tỷ đồng.

Trồng rau trong nhà lưới.

Đắk Nông là tỉnh có nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp với những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, cây ăn quả. Thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có sự phát triển khá ấn tượng, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 7%, giai đoạn 2005 – 2016, giá trị sản xuất và giá trị gia tăng liên tục tăng lên, sản lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện.

Trồng hồ tiêu sinh học.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp của tỉnh chưa toàn diện, bền vững, năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực chưa cao. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu có tăng về giá trị, sản lượng nhưng thu nhập của người nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa không tăng; chất lượng hàng nông sản, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ, một số sản phẩm chưa bảo đảm an toàn. Vì vậy, muốn phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, biện pháp tối ưu là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng, việc xây dựng và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vấn đề cấp thiết phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, phù hợp với thực tiễn và là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm và phát triển bền vững ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Anh Dũng (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu