Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 21:51 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non
Thứ 6, 24/02/2017 | 12:14:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua, ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra những vụ việc gây bức xúc xã hội đối với trẻ em ở bậc học mầm non. Một lần nữa, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp với giáo viên mầm non. Trong khi lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, giáo viên mầm non là một nghề đặc thù nhất trong giáo viên các cấp.
Điều kiện hành nghề quá dễ
Gần đây nhất có thể kể đến vụ việc giáo viên ở nhóm lớp mầm Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dạy trẻ bằng dép, bằng đầu gối; hay nhóm lớp mầm non Apollo (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cô giáo dọa trẻ ăn ít bằng cách dốc ngược đầu trẻ và đe vứt qua cửa sổ.
Giáo viên điểm trường bản Pà Mồng, thuộc Trường mầm non xã Nậm Giòn, huyện Mường La (Sơn La) dạy trẻ mẫu giáo 5 tuổi làm quen với môn tiếng Việt bằng giáo cụ trực quan.
Dư luận đặt câu hỏi vì sao những sự việc không thể chấp nhận được này tồn tại trong một bậc học mà trẻ còn chưa có ý thức tự vệ cho bản thân, chưa nói được tròn vành rõ chữ. Càng thương tâm hơn, khi những di chứng này sẽ ảnh hưởng về tâm lý, hành vi đối với đứa trẻ là suốt đời. Một lập luận đưa ra là đạo đức con người và đạo đức nghề nghiệp đã xuống cấp?
TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Là giáo viên thiếu đi đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống thì tốt nhất không nên làm nghề nữa.Trong trường sư phạm, những phân môn này đều được đặt lên trước nhất và nhấn mạnh trong các học phần. Không chỉ dừng ở việc đình chỉ, nghỉ việc mà nên chấm dứt vĩnh viễn việc hành nghề với những giáo viên này. Đó là chế tài giáo dục”.
Một trong hai cô giáo gây ra vụ việc ở nhóm lớp Sen Vàng chỉ có bằng tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Hưng Yên và không được đào tạo chuyên môn sư phạm. Hoặc việc mở nhóm lớp với các điều kiện còn khá dễ dãi như tốt nghiệp THPT, có chứng chỉ đào tạo mầm non 3 tháng!
Theo bà Nguyễn Thị Thu, UBND xã Dương Nội (Hà Nội) thì quy định chủ nhóm trẻ chỉ cần học hết THPT và có chứng chỉ nghề học trong ba tháng là quá dễ dãi! Khi đi kiểm tra chỉ cần khớp với quy định này là đã được đủ điều kiện mở lớp rồi. Điều này gây khó cho quá trình kiểm tra.
Phải siết chặt quản lý, hành nghề
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội còn cho rằng: Không phải cứ không thi được vào đâu thì đi làm cô giáo mầm non. Từ khi chọn nghề phải hiểu rõ những vai trò, trách nhiệm của cô giáo mầm non. Và cơ quan quản lý đào tạo giáo viên mầm non cần siết chặt hơn về việc tuyển sinh ngành học này.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng chia sẻ, ở nhiều nước trên thế giới việc tuyển chọn giáo viên mầm non tốt nghiệp đại học chính quy, thậm chí là thạc sĩ, hay đào tạo trong những trường nghề chuyên nghiệp. Việc cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp mầm non cũng qua nhiều bước và thử thách thực hành. Nếu không đạt thì không cho tốt nghiệp. Song hành với đó là những quy định, kiểm tra khá gắt gao khi ra nghề làm việc. Nếu vi phạm sẽ vĩnh viễn không được hành nghề nữa.
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết: “Sở sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở mầm non tư thục trên toàn thành phố. Để có thể thực hiện công tác chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non không chỉ cần trình độ chuyên môn sư phạm theo quy định mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng chính trị, yêu nghề, mến trẻ… Ngành giáo dục thực hiện rất nhiều biện pháp như phối hợp với cơ sở đào tạo sư phạm để đào tạo giáo viên có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Sở cũng thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn để các cô giáo vừa có nghiệp vụ sư phạm tốt, yêu nghề hơn, không để xảy ra hành vi không phù hợp với trẻ”.
Lê Vân/ TTXVN
Ý kiến ()