Tại buổi họp báo chiều nay (5/7) tại Hà Nội thông tin về Ngày Dân số thế giới (11/7), Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 1/7/2016, dân số nước ta ước đạt 91,7 triệu người, đứng thứ 8 châu Á.
Ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Dân số) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, số sinh toàn quốc đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2015. Thực hiện các chỉ tiêu về biện pháp tránh thai lâm sàng đạt 40% kế hoạch đề ra và thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ. Các biện pháp tránh thai phi lâm sàng như sử dụng bao cao su, thuốc uống, thuốc tiêm bằng 75% cùng kỳ năm 2015.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chi tiết Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh.
Theo đó, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115 vào năm 2020.
Ở các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 115 trở lên, giảm tỷ số giới tính khi sinh ít nhất 0,4 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016-2020; phấn đấu giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Theo Tổng cục Dân số, tốc độ tăng dân số ở nước ta đến năm 2015 là 1%, đạt mục tiêu đề ra; tổng tỷ suất sinh từ 6,39 (1960) xuống còn 2,05 (2012), đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á từ dưới lên (Singapore: 1,3; Thái Lan và Brunei: 1,6).
Tuy nhiên, với số dân gần 92 triệu, Việt Nam có mật độ dân số cao gấp 5,2 lần mật độ dân số thế giới, gấp 2 lần châu Á – Thái Bình Dương, gấp 2 lần Đông Nam Á và đứng thứ 3 trên thế giới.
Cũng theo thống kê mới nhất của Tổng cục Dân số, tỷ lệ giới tính khi sinh trên cả nước hiện chênh lệch rất lớn với 112,8 nam/100 nữ. Lựa chọn giới tính thai nhi do xem nhẹ giá trị của phụ nữ và trẻ em gái là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh./.
Ý kiến ()