Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 19:27 (GMT +7)
Dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Thứ 4, 25/09/2019 | 15:17:00 [GMT +7] A A
Sáng 25/9, tại thành phố Rạch Giá, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhân kỷ niệm 151 năm ngày cụ hy sinh (1868 – 2019).
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và một số tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dòng tộc của cụ Nguyễn Trung Trực cùng đông đảo nhân dân trong, ngoài tỉnh tham dự.
Đông đảo người dân đến dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: Lê Sen/TTXVN
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đã ôn lại thân thế, sự nghiệp, cuộc đời chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân cụ đã vì dân, vì nước chống Pháp ngay từ buổi ban đầu.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838, tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Tên thật là Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Quản Lịch, Quản Chơn, Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên trong thời điểm lịch sử nước nhà đứng trước thảm họa bị thực dân Pháp xâm lược. Với lòng yêu nước nồng nàn, người thanh niên dân chài Nguyễn Trung Trực đã tham gia vào lực lượng nghĩa quân của Trương Định hoạt động ở vùng Gò Công. Năm 1861, Nguyễn Trung Trực trở thành thủ lĩnh của nghĩa quân khi tuổi đời còn rất trẻ, lãnh đạo nghĩa quân lập chiến công vang dội, đốt cháy và làm chìm tàu Espérance của quân Pháp trên sông Nhựt Tảo.
Ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực tổ chức đánh úp và làm chủ 1 tuần lễ tại đồn Kiên Giang, diệt toàn bộ quân địch và tên chủ tỉnh. Chiến thắng hiển hách này làm bàng hoàng quân Pháp. Nhưng sau đó, giặc Pháp tập trung quân từ Vĩnh Long kéo về chiếm lại đồn, trấn áp nghĩa quân. Do lực lượng quá chênh lệch, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân rút về Hòn Chông, rồi ra Phú Quốc. Quân Pháp lại đưa quân ra tấn công Phú Quốc, khống chế, khủng bố nhân dân trên đảo, quyết tiêu diệt nghĩa quân.
Trong trận chiến đấu cuối cùng, Nguyễn Trung Trực bị giặc bắt, dùng hết lời khuyến dụ, mua chuộc nhưng không thể nào khuất phục được. Nguyễn Trung Trực đã khảng khái nói trước quân thù: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”, thể hiện mạnh mẽ ý chí, quyết tâm chống kẻ thù xâm lược của cả dân tộc Việt Nam.
Tiết mục múa hoạt cảnh tại Lễ dâng hương. Ảnh: Lê Sen/TTXVN
Lễ hội truyền thống nhân Ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh là dịp để người dân Đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ lòng tưởng nhớ, ghi ơn và luôn tự hào với gương hy sinh oanh liệt của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Mỗi nén hương tưởng niệm, tri ân vị Anh hùng dân tộc đều cầu mong cho đất nước “quốc thái, dân an”, cuộc sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Trước anh linh vị Anh hùng dân tộc, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang nguyện luôn đoàn kết, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không ngừng xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc tiền nhân và của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Lễ hội truyền thống tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh diễn ra trong 3 ngày, từ 24 – 26/9/2019 (nhằm ngày 26, 27 và 28/8 âm lịch), với nhiều hoạt động như: Lễ thắp hương Bia ghi dấu địa điểm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp hành hình năm 1868 và tại Đình thờ Cụ Nguyễn; Chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội; Trưng bày ảnh về thành tựu kinh tế – xã hội tỉnh, quảng bá du lịch, tuyên truyền biển đảo; Hội thi đờn ca tài tử; Liên hoan sân khấu thanh niên với chủ đề “Khí phách người anh hùng dân tộc”… và các nghi lễ cổ truyền tổ chức theo nghi thức truyền thống tại Đình thờ Nguyễn Trung Trực. Đặc biệt, lễ hội năm nay không tổ chức thả hoa đăng nhằm hưởng ứng thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên toàn quốc và tỉnh Kiên Giang.
Ý kiến ()