Chủ Nhật, 24/11/2024 05:46 (GMT +7)

Dâng hương tưởng niệm nhân 721 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo

Thứ 5, 23/09/2021 | 19:12:00 [GMT +7] A  A

Ngày 23/9 (tức ngày 17/8 năm Tân Sửu), tại Đền Kiếp Bạc thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương đã tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm 721 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1300 – 2021).

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm 721 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Năm 2021, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kỷ niệm 721 năm Ngày mất của Hưng Đạo Đại vương được tổ chức với quy mô gọn nhẹ nhưng vẫn trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống nhằm bày tỏ lòng tri ân đối với công lao to lớn của Đức Thánh Trần, cầu cho quốc thái dân an, dịch bệnh bị khống chế, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Ban Tổ chức các nghi lễ truyền thống mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2021 thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; không đón du khách ngoại tỉnh về dâng hương, chiêm bái.

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần. Là người hội tụ đầy đủ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, văn võ song toàn, lại biết giữ gìn rường cột quốc gia nên qua 4 đời vua Trần ông đều được trọng dụng, để tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, thờ phụng. Trần Hưng Đạo là một hình tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ba lần nước Đại Việt chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông đều có công lao to lớn của ông. Các chiến công của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và quân đội nhà Trần đã góp phần kết thúc thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên Mông trong lịch sử. Công lao to lớn này đã đưa ông lên hàng “thiên tài quân sự có tầm chiến lược và là một vị Anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần”.

Sau thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, Hưng Đạo Đại vương cùng phu nhân về sống những năm tháng thanh bình tại tư dinh Vạn Kiếp – mảnh đất đã gắn bó, chở che ông suốt những năm dài kháng chiến. Tại đây, ông đã soạn hai bộ sách để dạy các tướng lĩnh đương thời cầm quân đánh giặc là “Binh thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, đúc kết những kinh nghiệm quý báu, bí quyết đánh giặc giữ nước truyền lại cho hậu thế.

Dưới trướng của ông, nhiều bậc hiền tài đã hết lòng phò vua giúp nước như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư… cùng những gia thần, môn khách nổi tiếng như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa… Tất cả đã tạo thành một đội quân hùng mạnh “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục” làm nên những chiến thắng vẻ vang trong 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông xâm lược.

Do có công lao to lớn với dân tộc, vua Trần tấn phong cho Trần Hưng Đạo tước Đại vương, cho lập đền thờ khi ông còn sống, gọi là Sinh Từ. Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức của ông, gọi là Sinh Bi.

Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (năm 1300), Hưng Đạo Đại vương mất tại tư dinh Vạn Kiếp. Triều đình đã tôn phong ông là Thái sư Thượng phụ, Thượng Quốc công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương. Nhân dân Đại Việt suy tôn ông là Cửu Thiên Vũ Đế Đức Thánh Trần, lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của ông ngay trên nền vương phủ, gọi là đền Kiếp Bạc.

Mạnh Minh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/van-hoa/dang-huong-tuong-niem-nhan-721-nam-ngay-mat-cua-anh-hung-dan-toc-tran-hung-dao-20210923123133811.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu