Đến khoảng 10 giờ sáng, 3 cọc sắt đã được đóng cố định bên bờ nam cầu Ghềnh.
Ông Đặng Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục QLXD công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, theo kế hoạch, ngày 27/3, sà lan sẽ tiếp tục rung cọc xuống sông Đồng Nai chốt vị trí neo và sẽ đưa vào vị trí trục vớt. Sà lan sẽ được xoay ngang móc vào nhịp 2 đang treo để các thợ lặn tiếp tục cắt và hạ xuống nước. Sau đó sẽ tiếp tục các bước tiếp theo.
Đến 10h30’ dòng nước sông Đồng Nai đang xuống nhanh tạo điều thuận lợi cho công tác neo đậu. Tại hiện trường, sau khi hoàn thành việc đóng cọc để neo định vị sà lan một chiếc sà lan đã được neo đậu theo đúng kế hoạch. Dưới sông nhiều người nhái vẫn đang tiếp tục thay phiên nhau lặn ngụp dưới sông để tiến hành cắt các hạng mục dưới sông Đồng Nai.
Việc trục vớt dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 2/4, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông- Vận tải.
Trước đó, ngày 26/3, hàng chục người nhái đã lặn xuống đáy sông Đồng Nai để xác định các hạng mục cầu bị chìm để đưa ra phương án trục vớt.
Theo các thợ lặn, nhịp cầu chìm nằm ở độ sâu 13m, dính nhau bởi thanh ray, nặng khoảng 300 tấn. Trong đó, một đầu nhịp 2 kê lên mố cầu sập, nhịp cầu 3 treo lơ lửng do dính ray sắt với nhịp bên kia./.
Ý kiến ()